Để giải quyết mối lo ngại đó, chính phủ Hàn Quốc được cho là đang cân nhắc ý tưởng tăng giới hạn độ tuổi cho nông dân trẻ lên hơn 39 tuổi để được hưởng nhiều lợi ích.
Hiện tại, người Hàn Quốc trong độ tuổi 19 - 34 được coi là thanh niên hợp pháp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, những người đến 39 tuổi đều có thể được xếp vào nhóm nông dân trẻ. Nông dân trẻ được hưởng nhiều lợi ích của chính phủ, bao gồm các sáng kiến về định cư nông nghiệp và hỗ trợ chăm sóc con nhỏ cho thanh niên bắt đầu kinh doanh trang trại thông minh. Tuy nhiên, những tiêu chí này vẫn không phù hợp với thực tế của các thị trấn nông thôn, nơi những người ở độ tuổi 40 và 50 được coi là “trẻ”.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, năm ngoái, độ tuổi trung bình của các chủ doanh nghiệp nông nghiệp là 68 tuổi, cho thấy sự lão hóa đáng kể của lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác.
Để so sánh, trong ngành sản xuất, tuổi trung bình của người lao động trong năm 2020 là 42,5 tuổi.
“Trong lĩnh vực nông nghiệp, những người ở độ tuổi 40 - 50 là nhóm người có năng suất lao động cao nhất. Do đó, lợi ích nên được tập trung vào nhóm tuổi này”, Eom Jin-yeong, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, giải thích.
Không chỉ có dân số già đi, một số lượng đáng kể các cá nhân ở độ tuổi 20 đang từ chối tìm việc làm, gây ra trở ngại cho xã hội.
Dữ liệu cho thấy trong khi nhiều người ở độ tuổi 60 đang tích cực tìm kiếm việc làm thì nhiều cá nhân ở độ tuổi 20 lại chần chừ trong việc kiếm thu nhập. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ người ở độ tuổi 60 muốn làm việc đã tăng từ 66,3% vào tháng 5 năm 2018 lên 71,8% vào tháng 5 năm ngoái.
Trong bối cảnh cấu trúc dân số của Hàn Quốc thay đổi và sự già hóa của xã hội, xu hướng này dự kiến còn mạnh mẽ hơn trong tương lai.