Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau đại dịch COVID-19 cũng như nhiều nước trên thế giới, lĩnh vực y tế của nước ta đã bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc và có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế. Với khối lượng công việc tồn đọng sau gần 3 năm tập trung chống dịch; vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương nhiều người vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc hiện nay được thực hiện ở cả 3 cấp, trung ương đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng từ 16,5 đến 18% số lượng thuốc toàn quốc, cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau đại dịch COVID-19, bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì còn các nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện mua sắm chưa kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương...
Về bảo đảm nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Đến nay, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, mặc dù vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế, trong tháng 10-2023 có 61,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh, 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ, có những đơn vị trước đây khó khăn nhưng hiện nay đã đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm đến nay đã thực hiện được 35 gói thầu vật tư, hóa chất, máy móc. Đối với các bệnh hiếm gặp thì Bộ Y tế cũng đã trình cơ chế để tháo gỡ trong vấn đề bảo đảm được nguồn cung cho các vấn đề thuốc hiếm. Đặc biệt là liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính ngân sách để bảo đảm thực hiện cho vấn đề thuốc hiếm.
Về việc thiếu máu ở Cần Thơ và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết trong báo cáo thời gian vừa qua, đặc biệt là từ tháng 6-2023, Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ thông báo khó khăn trong việc cung cấp máu, chế phẩm máu cho các bệnh viện trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này bộ đã có 5 văn bản chỉ đạo và đã giao nhiệm vụ cho một số đơn vi bảo đảm hỗ trợ cho Cần Thơ và các tỉnh phía Nam.
Đến nay, theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP Cần Thơ, đã cung cấp được cho 74 bệnh viện trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần 65.000 đơn vị máu. Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ để huy động máu đáp ứng cho các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, đến ngày 30-10, Cần Thơ vẫn báo cáo tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu tại địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ cùng với các đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ máu cho khu vực này. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị các tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, Sở Y tế thực hiện việc mua sắm, đấu thầu bảo đảm đúng quy định.
"Rõ ràng có cùng một chính sách, có nơi làm tốt, có nơi còn vướng mắc. Rất mong các địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện việc mua sắm, chủ động từ việc xây dựng kế hoạch, nhân lực, rồi thực hiện các vấn đề phối hợp được nhịp nhàng" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.