Năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc các Sở Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau gần 4 năm, cả nước đã có 280 trung tâm, trong đó số doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 2/3.
Chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đầu tư trung tâm tại đô thị lớn. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, mật độ đơn vị đăng kiểm tại đô thị tăng cao, trong khi tại vùng sâu thấp, dẫn đến người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi xa để kiểm định, gây tốn thời gian, chi phí.
Ô tô xếp thành 2 làn kéo dài nối đuôi nhau từ ngoài cổng vào trong để chờ đăng kiểm
Khi mà mật độ đông như vậy không tránh khỏi cạnh tranh giữa các trung tâm để thu hút khách hàng, đến mức một số đơn vị đã làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật.
Việc nới lỏng điều kiện các quy định đăng kiểm là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia, giảm gánh nặng cho các trung tâm đăng kiểm, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thế nhưng nhiều trung tâm đăng kiểm lại có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ quy trình đăng kiểm, bỏ qua lỗi an toàn kỹ thuật… dẫn đến nhiều phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường vẫn được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.
Đơn cử như việc cơi nới thành thùng xe hay những chiếc xe quá khổ, quá tải vẫn nhởn nhơ trên đường… Hệ luỵ là đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Như vậy câu chuyện quan trọng là siết chặt về cơ chế quản lý, giám sát, để các cá nhân, đơn vị không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng chứ không phải việc cấp phép hoạt động của các trung tâm này như thế nào.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.