Thầy Thuấn nhớ lại, cách đây 10 năm, thầy phụ trách phong trào thể thao của trường. Khi đó, em Sa Hoàng Sơn là một trong những thành viên của đội bóng đá. Tuy nhiên, vào dịp hè em theo bố mẹ lên làm nương rẫy, cách trường khoảng 20km, phải đi qua mấy quả đồi mới đến nơi. Mặc dù rất đam mê chơi thể thao, nhưng vì quãng đường khá xa, Hoàng Sơn không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Thương trò, thầy Thuấn đến nhà động viên phụ huynh, học sinh rồi đưa em Hoàng Sơn về nhà của mình, lo cho trò ăn ở và đi tham gia luyện tập bóng đá với các bạn.
“Khi đó, mình mua ít nhu yếu phẩm đến thăm gia đình, vận động phụ huynh cho Hoàng Sơn đến trường cùng với các bạn tập luyện bóng đá. Sau nhiều ngày động viên, phụ huynh em cũng đồng ý. Thế rồi mình đưa em về nhà lo cho em ăn uống, nghỉ ngơi, tìm hiểu đó đây và cùng em đi tập luyện bóng đá. Tuy năm đó không đạt được giải thưởng cao, nhưng mình vẫn vui và hạnh phúc vì có thể giúp học trò thực hiện niềm đam mê của mình. Có lẽ đó là kỉ niệm khó quên và nhiều cảm xúc nhất giữa mình với học sinh”, thầy Thuấn tâm sự.
Hạnh phúc khi trò biết đọc, biết viết
Niềm vui và hạnh phúc của cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh và Huỳnh Thị Bích Liên, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là học sinh đến trường đủ đầy mỗi ngày.
Cô Huỳnh Thị Bích Liên, giáo viên lớp 5 chia sẻ, học sinh nơi đây đa số là người dân tộc thiểu số Bana. Đặc thù nơi đây chỉ toàn đồi núi, đất đai cằn cỗi nên người dân chủ yếu trồng mì, lúa rẫy… Do đó, học sinh thường theo bố mẹ lên nương rẫy. Chính vì vậy việc duy trì sĩ số của học sinh rất khó khăn. Hàng tuần, giáo viên đều thay phiên nhau đến nhà vận động, tuyên truyền phụ huynh cho con em mình ra lớp. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, những em lớn vẫn theo bố mẹ lên chòi rẫy, còn em nhỏ không có người nấu ăn, bụng đói nên chẳng đến trường.
“Hạnh phúc của mình là mỗi sáng đến lớp thấy đông đủ học trò và chất lượng của học sinh ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, nhà các em xa, nếu nhà trường không tổ chức bán trú và nuôi các em thì rất khó để giữ chân trò. Mặc dù trường đã xin được một khoản hỗ trợ để tổ chức bữa cơm cho học sinh. Tuy nhiên, về gạo để nấu cơm cho học trò vẫn còn thiếu thốn nên bữa cơm của các em chẳng thể đủ đầy”, cô Liên chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, giáo viên lớp 1 hạnh phúc khi những cố gắng, nỗ lực dạy chữ cho trò nghèo được đền đáp.
“Với mình, chỉ cần học sinh chăm đến lớp và biết đọc, biết viết, tính toán là mình thấy hạnh phúc. Mình chỉ mong rằng có thể lo cho học trò được nhiều hơn để các em có thể vượt khó đến trường. Sau này học sinh sẽ có công việc ổn định, không còn đói nghèo đeo bám”, cô Nguyệt Ánh nói.