Giáo dục

Hành trang vào đại học: Thử thách xa nhà

28/07/2024 06:41

Vào giảng đường là bước sang một ngưỡng cửa, chặng đường mới đầy thú vị nhưng cũng nhiều thử thách với không ít tân sinh viên.

Chống sốc

Học đại học, cao đẳng với giảng đường, ký túc xá, nhà trọ, “cơm hàng cháo chợ” ở đô thị lớn… khác xa với cuộc sống một học sinh phổ thông dưới mái nhà có bố mẹ, người thân, bữa cơm gia đình. Nhiều sinh viên ban đầu đã bỡ ngỡ, thậm chí không kịp thích nghi cuộc sống mới.

Từ huyện Đầm Dơi (Cà Mau) khăn gói đến Trường ĐH Cần Thơ học ngành Công nghệ thông tin, cuộc sống của Lý Minh Thuận thay đổi hoàn toàn. “Khi còn học phổ thông, em chỉ lo học, mọi việc từ ăn uống, giặt đồ, việc nhà đều do ba mẹ làm. Vào đại học, em được ba mẹ đưa đến TP Cần Thơ, thuê phòng trọ rồi mọi thứ phải tự lo. Ban đầu em cũng sốc vì vừa phải nấu ăn, lau dọn phòng, giặt đồ… vừa đi học, nên có lúc ‘đuối’. Tuy nhiên, ba mẹ thường xuyên liên lạc qua điện thoại, Zalo động viên, chỉ cách nấu ăn nên em làm quen dần”, Thuận cho biết.

Nhiều tân sinh viên từ địa phương khác đến TP Cần Thơ học tập chọn “cơm hàng cháo chợ” vì không biết nấu ăn. Mai Như Ngọc - quê ở huyện An Minh (Kiên Giang) học ngành Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Nam Cần Thơ) chia sẻ: “Ở nhà, em chỉ lo việc học nên đến giờ không biết nấu ăn. Khi đến Cần Thơ ở trọ học đại học, em chọn ra ngoài ăn cơm. Ăn hoài cũng chán nên em cố gắng học nấu ăn, có cha mẹ hướng dẫn thêm. Ban đầu, em thấy buồn lắm, không có cha mẹ, bạn bè bên cạnh, không biết làm việc nhà...”.

Theo giảng viên và sinh viên năm 3, 4, để cuộc sống đại học không trải qua một cách vô vị và vô ích, các tân sinh viên nên chú ý chuẩn bị hành trang sẵn sàng từ ngay khi nhập học, nhất là rèn luyện kỹ năng sống…

Thầy Nguyễn Văn Nghiêm - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên và Truyền thông (Trường ĐH Đồng Tháp) lưu ý: Tân sinh viên cần nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, học các kỹ năng sống cơ bản để tự chăm sóc bản thân; học cách sử dụng hiệu quả thời gian, kỹ năng giao tiếp xã hội, chăm đọc sách; biết đầu tư cho bản thân cả về sức khỏe thể chất và tinh thần; nên có cho mình những người bạn tốt, tránh xa những cám dỗ; nghiêm túc và nỗ lực học từ năm nhất.

Tân sinh viên cũng cần tập tính kiên trì và tinh thần bền bỉ vượt thử thách (thử thách và khó khăn nhiều hơn thuận lợi) để đủ kiên nhẫn biến ước mơ thành hiện thực…

thu thach xa nha1.jpg
Chương trình chào đón tân sinh viên của Liên chi hội Sinh viên tỉnh Sóc Trăng tại Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: CTV

Cố gắng từ đầu

Chia sẻ với tân sinh viên, TS tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway cho biết: Tân sinh viên hãy phác thảo ngay một thời gian biểu hợp lý. Ngoài giờ học trên lớp, thời gian rảnh, các em nên tìm đến thư viện, đọc sách, tự nghiên cứu… Hãy cố gắng ngay từ những ngày đầu tiên trên giảng đường để có kết quả mỹ mãn khi ra trường.

Theo TS Đào Lê Hòa An, để trở thành tân sinh viên thông thái, việc quan trọng cần trang bị là xây dựng, lập kế hoạch học tập. Bởi khi bước vào đại học, thoát khỏi sự chăm sóc chu đáo của gia đình, nhiều em bắt đầu chơi nhiều hơn học, dễ trượt dài với những thú vui khác mà quên đi việc chính là học tập. Sinh viên năm nhất chưa phải học chuyên ngành, chủ yếu học các môn chung, có nhiều thời gian nên cần tập trung vào việc xây dựng tình bạn, tạo thành nhóm học tập, tìm kiếm các mối quan hệ xã hội bằng cách tham gia câu lạc bộ, đội, nhóm…

“Nhiều tân sinh viên từ quê lên thành phố học, có thể gặp những cạm bẫy bên ngoài môi trường học đường; dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các việc vi phạm pháp luật. Vì thế, các em cần phải trang bị kỹ năng nhận diện, ứng phó với những tình huống nguy hiểm…”, TS Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.

Nói về khoảng thời gian đầu nhập học, Trần Minh Thái - sinh viên ngành Khoa học môi trường (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Thời gian đầu sống độc lập, đối diện với môi trường mới, bạn mới lại thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, nhiều bạn cảm thấy cô đơn và rất nhớ nhà.

Theo Minh Thái, để hóa giải khó khăn đó, tân sinh viên hãy năng động, kết bạn với những người bạn mới, bắt đầu mối quan hệ mới. Khi buồn bã hoặc cô đơn, hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho ba mẹ. Hãy suy nghĩ rằng đại học là ngôi nhà của mình; xác định những mục tiêu khi học đại học, như những công việc cần tập trung, các sở thích, hoạt động sẽ tham gia...

Dành lời khuyên cho tân sinh viên, ThS Lê Hoàng Trung - Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Cửu Long) chia sẻ: Cuộc sống xa nhà có thể gây ra những cảm xúc phức tạp và thách thức.

Có một số cách để tân sinh viên thích nghi với môi trường mới như: Trước khi di chuyển đến nơi ở mới, cần nắm vững thông tin, tìm hiểu các khu vực quan trọng, giao thông, dịch vụ công cộng, cửa hàng tiện lợi, bệnh viện, các địa điểm giải trí. Nếu các em chưa có nơi ở ổn định, hãy tìm hiểu về khu vực gần trường và phù hợp với ngân sách; có thể tìm phòng trọ, nhà trọ, ký túc xá…

Hãy gặp gỡ và kết bạn với những người mới, tham gia các hoạt động của trường, câu lạc bộ sinh viên, hoặc nhóm xã hội khác để có cơ hội kết nối. Đồng thời, tân sinh viên cần tìm hiểu về chương trình học, cơ sở vật chất của trường và các nguồn tài nguyên hỗ trợ như thư viện, trung tâm học tập, hay phòng học chung…

Đừng quên tự chăm sóc bản thân, duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng. Đặt thời gian cho giấc ngủ đủ, ăn uống lành mạnh và tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như tập thể dục hoặc tham gia câu lạc bộ thể thao. Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở quê để cảm thấy gần gũi hơn… - ThS LÊ HOÀNG TRUNG (Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Cửu Long)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hanh-trang-vao-dai-hoc-thu-thach-xa-nha-post693178.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hanh-trang-vao-dai-hoc-thu-thach-xa-nha-post693178.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trang vào đại học: Thử thách xa nhà