Hành trình 'gieo chữ' của cô giáo dân tộc Kơ Ho

Huỳnh Kha | 13/03/2023, 20:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 10 năm qua, cô giáo Nah Ria Mai (SN 1990) vừa đều đặn dạy học, vừa tham gia nhiều hoạt động lan tỏa giáo dục tại địa phương.

Như đa số thanh niên dân tộc Kơ Ho sinh ra và lớn lên tại xã Ka Đô (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Nah Ria Mai sớm nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục. Mặc dù cuộc sống thôn bản còn nhiều khó khăn nhưng thiếu nữ của núi rừng Tây Nguyên vẫn khát khao được học và nghiêm túc lựa chọn nghề cho tương lai.

Trong khi bạn bè đồng trang lứa người theo ngành kinh tế, người lựa chọn ngân hàng, Mai lại đăng ký vào Sư phạm, ngành Giáo dục Tiểu học.

“Có lẽ sở thích đứng trên bục giảng, thích mặc áo dài và cầm phấn viết bảng chính là nguyên nhân khiến tôi lựa chọn và gắn bó với nghề”, cô Mai chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học vào năm 2013, bắt đầu từ tháng 2/2014, cô về công tác tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Chư Răng, Huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Tính đến thời điểm hiện tại, đã gần mười năm kể từ ngày cô cử nhân trẻ từng bước "chập chững” vào nghề. Trải qua cái tuổi ba mươi đầy thăng trầm, động lực và niềm yêu thích công việc trong cô dường như vẫn không đổi.

Cô cho biết: “Nghĩ bản thân mình nghèo khổ nhưng khi đến đây (xã Chư Răng), thấy các em học sinh còn thiếu thốn, éo le hơn gấp nhiều lần, tôi càng có động lực gắn bó và khát khao được mang con chữ đến với các em”.

Hành trình 'gieo chữ' của cô giáo dân tộc Kơ Ho ảnh 1

Đối với cô Mai, nghề giảng dạy, phổ cập kiến thức và gieo chữ cho trẻ em chính là sứ mệnh của bản thân.

Điều khiến cô Mai tâm đắc và tự hào nhất có lẽ là sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp về năng lực bản thân.

Đối với công việc, cô luôn tự hào là một nhà giáo của núi rừng Tây Nguyên và khẳng định nghề giảng dạy, phổ cập kiến thức, gieo chữ chính là sứ mệnh của bản thân. Do đó, đối với học sinh, cô luôn tận tâm và cố gắng làm hết mình, đồng thời mong muốn trở thành tấm gương tốt để các em có thể noi theo.

Nhằm giúp các giáo viên trẻ đặc biệt là những thanh niên dân tộc có thêm động lực sống với nghề, cô Mai cũng trải lòng, bản thân khi đến với công việc giảng dạy tương đối may mắn vì không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất chính là nỗi sợ không chiến thắng được mình, sợ bản thân tự mãn với những đang có để rồi không có động lực học hỏi và tiếp tục vươn lên.

Cô Mã Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhận xét, cô Mai là một điển hình giáo viên tài năng và luôn tận tụy với công việc. Xét về năng lực chuyên môn, có thể xem là “cánh chim đầu đàn” so với các giáo viên khác trên địa bàn huyện Ia Pa.

“Cô Mai thường xuyên tư vấn giúp đỡ đồng nghiệp, cố gắng thiết kế xây dựng bài giảng, nâng cao chất lượng giảng dạy. Các lớp do cô đảm nhận thường có tỷ lệ học sinh giỏi rất cao”, cô Duyên cho biết.

Không chỉ đạt nhiều thành tích cá nhân (GVDG cấp huyện, GVDG cấp tỉnh), cô Mai còn tham gia nhiều hoạt động phong trào, điển hình như các hội thi, hội diễn. Qua đó, cho thấy cô rất có khả năng biên đạo, dàn dựng tiết mục văn nghệ và kịch bản cho học sinh.

Từ năm học 2017 - 2018 đến nay, cô Mai luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và đạt nhiều thành tích đáng biểu dương. Tiêu biểu có thể kể đến thành tích 5 năm liền nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 4 năm liền được trao giấy khen của UBND huyện Ia Pa với thành tích xuất sắc trong các hội thi Giáo viên dạy giỏi (GVDG) cấp huyện cũng như cuộc thi Giáo viên Chủ nhiệm giỏi tại địa phương. Năm học 2020 - 2021, cô cũng đạt danh hiệu GVDG cấp tỉnh và nhận được bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình 'gieo chữ' của cô giáo dân tộc Kơ Ho