Háo hức chờ môn Nghệ thuật

Vân Anh | 01/05/2022, 07:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học tới, các môn âm nhạc, mỹ thuật lần đầu tiên sẽ được giảng dạy ở cấp trung học phổ thông. Đây là một điểm mới, nhận được sự quan tâm của các nhà trường, thầy cô giáo và học sinh.

Học sinh Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hào hứng với giờ học âm nhạc.Học sinh Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hào hứng với giờ học âm nhạc.

Được học môn yêu thích

Các môn giáo dục nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) có vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người. Nhưng, từ lâu trong nhà trường phổ thông vẫn xem các môn này là phụ. Lên cấp THPT, dù học sinh phải học tới 11 môn khác nhau nhưng không hề thấy bóng dáng của một bộ môn nghệ thuật nào.

Bởi vậy, khi các môn âm nhạc, mỹ thuật được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều học sinh đã rất hào hứng đón chờ. Ngoài việc muốn tiếp nhận thêm kiến thức về âm nhạc, mỹ thuật, các em còn mong những gì tiếp nhận được ở cấp THPT sẽ là nền tảng để lựa chọn những nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật trong tương lai.

Ngô Bảo Anh, học sinh Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Từ những năm cấp 1, em đã rất thích học các môn âm nhạc, mỹ thuật vì những môn học này giúp em giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học chính khóa. Những bài học cô giáo dạy đã giúp em nhận biết nhiều kiến thức bổ ích về các môn nghệ thuật. Nếu được lựa chọn, em sẽ chọn nhóm môn nghệ thuật khi thi đỗ vào lớp 10.

Còn Trần Ngọc Long, học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cho biết, nguyện vọng của em được thi vào Trường Đại học Kiến trúc nên sẽ tập trung vào các môn Toán, Văn và Mỹ thuật. Trong chương trình lớp 10 mới sẽ có môn Mỹ thuật nên em hi vọng sẽ chỉ học các kiến thức trên lớp để trúng tuyển đại học chứ không phải đi học vẽ ở các lớp bên ngoài nữa.

Nguyễn Đăng Nguyên, học sinh lớp 9 Trường THCS Thống Nhất (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cho biết, từ lâu em đã rất mong muốn được học âm nhạc. Ở nông thôn nên gia đình không có điều kiện cho em học âm nhạc ở các trung tâm. Thời gian tới, khi sách giáo khoa lớp 10 được triển khai có môn Âm nhạc, em đã bày tỏ nguyện vọng được học môn này với các thầy cô qua cuộc khảo sát về lựa chọn các tổ hợp.

Có bố mẹ đều làm công tác nghệ thuật nên Phạm Thu Hà, học sinh Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) được định hướng sẽ theo nghề của gia đình. Cùng với năng khiếu được rèn luyện từ nhỏ, Hà luôn có điểm âm nhạc rất cao trong những năm học cấp 1, cấp 2. Khi được hỏi ý kiến về tổ hợp môn học lựa chọn trong năm lớp 10, Hà đã chọn các môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

“Khi được học các môn mình yêu thích thì chắc chắn sẽ hào hứng hơn với môn học, được tìm hiểu sâu về môn học. Em rất vui mừng. Không chỉ vì điểm tổng kết sẽ cao hơn khi môn học đó là sở trường của mình mà em còn muốn tìm hiểu kỹ hơn về môn học trong các năm học THPT”, Hà nói.

Những học sinh có năng khiếu mỹ thuật mong muốn được học môn học này trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sẵn sàng triển khai Chương trình mới

Cô Nguyễn Ngọc Lan - giáo viên Trường THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc đưa mỹ thuật vào dạy học ở cấp THPT sẽ góp phần làm kín khoảng trống về giáo dục thẩm mỹ, đáp ứng mục tiêu giáo dục định hướng nghề nghiệp. Đây là sự mong mỏi của nhiều giáo viên nghệ thuật cũng như những người quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ ở trường phổ thông.

PGS.TS Phạm Phương Hoa - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc lớp 10 cho biết: Ở cấp THPT, đây là môn học đầu tiên xuất hiện trong chương trình. Đây là môn học hướng đến việc định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai nên bước đầu sẽ cung cấp cho các em một số kiến thức âm nhạc mang tính chất hàn lâm nhưng được đơn giản hóa để phù hợp với trình độ của người học.

Sách giáo khoa âm nhạc lớp 10 được biên soạn dựa trên định hướng phát triển năng lực người học, giúp học sinh học âm nhạc để cảm nhận chân thiện mỹ, học với niềm vui, hạnh phúc và để khám phá khả năng của bản thân, đặc biệt để định hướng nghề nghiệp tương lai.

Bao trùm quan điểm biên soạn sách giáo khoa là đảm bảo thống nhất giữa nội dung và hình thức, sự liên kết giữa các mạch kiến thức, sự tiếp nối giữa kiến thức cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, đảm bảo trong cái chung có cái riêng và tôn trọng sự khác biệt, đảm bảo tính vừa sức. Học sinh lớp 10 ở mọi trình độ khác nhau đều có thể tiếp nhận kiến thức ở mức độ từ thấp đến cao.

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Mỹ thuật lớp 10 cho biết: Sách giáo khoa Mỹ thuật ở lớp 10 có 3 nội dung: Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện; Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh; Kiến trúc; cùng với chuyên đề học tập với 3 phần. Các nội dung giáo dục được giới thiệu ở mức độ phổ thông, thuận tiện trong việc triển khai dạy và học đại trà với mục đích định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ niềm yêu thích nghệ thuật thị giác, hướng đến xây dựng nền tảng cho một thế hệ công chúng nghệ thuật.

Ông Nghị cho rằng, học sinh THPT là đối tượng đang trong thời kỳ phát triển hoàn thiện về thể chất và nhân cách, có nhu cầu tìm hiểu về lý tưởng, các giá trị xã hội. Bởi vậy, giáo dục thẩm mỹ thông qua mỹ thuật là rất cần thiết nhằm giúp các em định hướng nhận thức về quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực, hình thành thị hiếu thẩm mỹ phù hợp với truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc và thời đại.

Nhận định việc đưa môn nghệ thuật là bước tiến lớn của Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, sách có nhiều nét mới, cuốn hút người học. Việc dạy học các môn nghệ thuật sẽ phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, đáp ứng được mục tiêu dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Háo hức chờ môn Nghệ thuật