Sức khỏe

Hầu khương tốt cho xương khớp

Phạm Hoa 17/01/2024 08:09

(GDTĐ) - Theo y học cổ truyền, cây Hầu khương hay được gọi là cốt toái bổ có tác dụng chắc răng, liền xương, gân cốt, đồng thời có tác dụng hoạt huyết hành ứ, chỉ huyết, chỉ thống.

Cây hầu khương mọc hoang khắp núi đá, trên cây cổ thụ hay suối ở nước ta. Phần dùng làm thuốc là thân rễ (thường gọi là củ), được thu hái quanh năm, nhưng thường vào mùa thu.

Vị thuốc có mùi thơm, vị đắng, hơi chát, tính ấm. Quy kinh Can, Thận, có tác dụng bổ Thận, cứng răng, xương đồng thời có tác dụng hoạt huyết hành ứ, chỉ huyết, chỉ thống. Chủ trị chính yếu tổn thương do gãy xương, đau nhức gân cốt vùng thắt lưng, gối, ù tai.

cot-toat-bo.png
Cây hầu khương thường mọc trên các cây cổ thụ, núi đá và bờ suối

Một số nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy hầu khương có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự tái hấp thu tế bào xương và do đó có tác dụng điều trị loãng xương, làm tăng mật độ xương và có tác dụng làm nhanh liền xương. Đồng thời cũng ghi nhận bằng chứng Hầu khương có một loạt các thành phần hoạt tính kháng khuẩn, có tác dụng miễn dịch, thúc đẩy chống viêm và bảo vệ thần kinh.

Một số bài thuốc từ hầu khương

Chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu (thường gặp trên bệnh nhân loãng xương, thoái hóa khớp…): Dùng Cốt toái bổ 16g, rễ Cỏ xước 12g, Dây đau xương 12g, Lá lốt 12g, Tang ký sinh 16g, sắc uống. Hoặc trong thực dưỡng dùng Cốt toái bổ tán nhỏ 4-6g, cho vào dạ dày lợn, nướng chín ăn. Nghiên cứu ghi nhận dùng Cốt toái bổ giúp tăng sức bền của nền xương, hạn chế hủy xương, giúp làm chậm quá trình loãng xương.

Chữa bị thương, gân cốt bị tổn thương, chảy máu, đau nhức: Dùng Cốt toái bổ 15g, cây mắc cỡ 15g, lá dâu tươi 10g, lá huyết dụ 10g, dây đau xương 10g. Sắc uống.

Dùng trong trường hợp té ngã bị thương, xương gãy lâu liền: Sau khi điều trị ban đầu bằng Y học hiện đại có thể kết hợp dùng Cốt toái bổ, lá sen, lá trắc bách, bồ kết, liều lượng bằng nhau. Tán thành bột mịn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước hoặc trộn với nước nóng thành hồ, đắp ngoài (Tiếp cốt liệu thương).

image.png
Theo y học cổ truyền, cây Hầu khương hay được gọi là cốt toái bổ có tác dụng chắc răng, liền xương, gân cốt

Thang sắc uống hoặc nấu thành cao lỏng: Cốt toái bổ 12g, đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, hoài sơn 16g, ba kích 16g, bạch truật 12g, đương quy 12g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, mẫu lệ 12g, thiên niên kiện 8g.
Tác dụng: Bổ khí huyết, bổ gân xương. Dùng cho người già suy nhược cơ thể.

Dùng trong trường hợp thận hư, đau răng, chảy máu chân răng, răng lung lay: Cốt toái bổ liều lượng tùy ý, giã nhỏ, sao đen, tán thành bột mịn, xát vào lợi. Và sắc uống Cốt toái bổ 15g, sinh địa 10g, lá sen tươi 10g, trắc bá diệp tươi 10g sẽ giúp bổ thận.

Chữa chứng rụng tóc thành từng mảng: Dùng Cốt toái bổ 50g, khổ sâm 50g, đinh hương 10g, nhục quế 10g, tất cả đem ngâm trong 500ml rượu trắng 10 ngày. Hoặc dùng Cốt toái bổ, hà thủ ô đỏ chế mỗi thứ 10g, lá trắc bá diệp tươi hoặc cây tường vi 40g, ngâm với 200ml cồn 95o, sau 20 ngày lọc bỏ bã. Hằng ngày dùng bông thấm rượu thuốc xát 3-4 lần lên vùng da đầu ở chỗ tóc bị rụng.

Dùng trong trường hợp tiêu lỏng không cầm hoặc xuất huyết ở đường tiêu hóa: Dùng Hầu khương 15g đốt tồn tính uống với rượu hoặc nước cơm.

Lưu ý: Do hầu khương có tính ấm, nên dùng tốt nhất khi bệnh nhân có triệu chứng hàn, dương hư như lạnh tay, chân, sợ lạnh, tự hãn… Người âm hư, huyết hư như nóng về chiều tối, đạo hãn, táo bón, sắc mặt xanh nhạt, tiểu đỏ… không nên dùng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hầu khương tốt cho xương khớp