Với vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, cơ quan quản lý Nhà nước, việc hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh rõ ràng cần phải được quan tâm hơn mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2019, đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT đã làm việc với nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước thuộc các khối, ngành, khu vực khác nhau để lấy ý kiến đối với 3 cơ chế chính sách trong các cơ sở giáo dục đại học; trong đó có xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Đáng chú ý nhất phải kể đến Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, ban hành cuối năm 2022.
Với Nghị định này, lần đầu tiên Việt Nam có văn bản quy định về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học với điều kiện thành lập; tiêu chí công nhận; tiêu chuẩn trưởng nhóm và thành viên; chính sách ưu đãi và kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học... Dù có ý kiến cho rằng tiêu chí với nhóm nghiên cứu mạnh cao, nhưng nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ kỳ vọng vào các ưu đãi cho nhóm nghiên cứu mạnh, ví dụ như: Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ được cơ sở giáo dục đại học cấp kinh phí hoạt động thường xuyên.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học khảo sát thực trạng hoạt động của nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh, thời gian hoàn thành trước 15/6. Khảo sát là một trong những nhóm việc để Bộ GD&ĐT có căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học” và “Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0” trong năm 2023.