Hết thời lãi trăm tỷ, đại gia bất động sản rơi vào cảnh túng quẫn, hết tiền

Lê Na | 18/11/2023, 07:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Do nguồn tài chính vô cùng khó khăn, không có kinh phí để duy trì hoạt động cũng như thiếu nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên, nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phải thông báo tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.

Theo đó, để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời điểm hiện tại, Hội đồng quản trị đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc.

Trước đó, Hội đồng quản trị Công ty CP Licogi 166 cũng đã công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, từ 15/3/2023 đến ngày 14/3/2024 do hoạt động kinh doanh đang gặp khó khăn. Công ty sẽ ngừng hoạt động để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166. Đồng thời, theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023, công ty sẽ tiếp tục thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

Hay mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (sở hữu vốn điều lệ 531 tỷ, hoạt động chính trong xây dựng và kinh doanh bất động sản ) có trụ sở chính đặt tại số 143 ngõ 83 phố Hạ Đình vừa phát thông báo, do công ty bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án, năm 2023 công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động và dự kiến sang năm 2024 vẫn chưa có nguồn kinh phí nên quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/11/2024.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên vào tháng 4 năm 2023 cũng đã đồng ý cho phép công ty tạm ngừng hoạt động kinh doanh 12 tháng để có thời gian xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có nguồn tài chính hoạt động trở lại.

Dù chưa phải dừng hoạt động nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào tình trạng bết bát. Mới đây, CTCP Tập đoàn Đất Xanh đã quyết định cho 8 công ty con đang làm thủ tục giải thể, bao gồm: CTCP Đầu tư bất động sản miền Đông; CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ; Công ty TNHH Đất Xanh Finance; CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Phước; CTCP Đầu tư Diamond Tower; CTCP Đầu tư Ruby Tower; CTCP Đầu tư Sapphire Tower; CTCP Đầu tư Emerald Tower. Như vậy, nếu hoàn thành việc giải thể 8 Công ty trên, Đất Xanh còn lại 78 Công ty con. Theo báo cáo thuyết minh cho biết, "ông lớn" này cũng mới cắt giảm thêm 1.289 nhân sự xuống còn 2.484 nhân sự tính đến ngày 30/9/2023.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới ảm đạm chưa có dấu hiệu phục hồi khiến tình hình kinh tế trong nước cũng trở căng thẳng, áp lực dòng tiền ngày càng ảnh hưởng rõ rệt đối với các doanh nghiệp. Doanh thu các ngành giảm từ giữa năm 2022 đến nay, đăc biệt nghiêm trọng nhất là hai ngành Bất động sản và Xây dựng. Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Các doanh nghiệp này đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi rất khó để huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu và tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Việc giải thể hàng loạt công ty con sẽ kéo theo lực lượng lao động của doanh nghiệp này giảm xuống.

Bài liên quan
Phân hóa rõ nét giữa các phân khúc bất động sản nhà ở
Thị trường bất động sản đã “khép” lại năm 2024 với sự phục hồi tích cực. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường không đồng đều mà diễn ra theo hướng phân hóa rõ nét giữa các phân khúc, khu vực, loại hình sản phẩm và cả doanh nghiệp cung ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết thời lãi trăm tỷ, đại gia bất động sản rơi vào cảnh túng quẫn, hết tiền