(GDTĐ) - Ngày 26/2/2024, tại Khu du lịch Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội), Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cùng đông đảo các hội viên thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
Năm 2023 Hiệp hội Du lịch Hà Nội xác định, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tổ chức hội nghị, hội chợ, triển lãm là nhiệm vụ quan trọng, công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến có vai trò then chốt.
Theo đó, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, lễ hội du lịch như: Hội chợ du lịch Quốc tế VITM Hà Nội -2023; Hội chợ du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh 2023; Lễ hội quà tặng Hà Nội 2023; Festival Thu Hà Nội năm 2023; Tuần văn hóa du lịch Đất tổ; Bắc Kạn; Sơn La năm 2023; Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng năm 2023 tại Hà Nội…
Tham gia các chương trình, hoạt động hợp tác với 27 Hiệp hội du lịch trong khuôn khổ Cụm du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc; Tư vấn mô hình phát triển kinh doanh theo hướng bền vững cho một số doanh nghiệp du lịch tại một số địa phương như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La, Cao Bằng.
Cũng trong năm 2023, Hiệp hội Du lịch Hà Nội còn tích cực tham gia các hội thảo hội nghị, sự kiện du lịch như: Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 “ Đẩy mạnh phục hồi - Tăng tốc phát triển do Thủ tướng chính phủ chủ trì; Hội nghị triển khai Ngị quyết 82/NQ-Cp ngày 18/5/2023 của Chính phủ “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức; Hội nghị liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Thái Nguyên; Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang; Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tuyên Quang 2023; Hội nghị xúc tiến điểm đến kết nối và phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang với các tỉnh, thành phố năm 2023…
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng tích cực tham gia một số chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm tại Bình Định, Phú Yên. Tham gia khảo sát các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái tại Bắc Giang, Bắc Kạn; Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc tại Tuyên Quang; tham gia chương trình Famtrip tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định năm 2023; Khảo sát xây dựng tuyến, điểm du lịch “ Huyền thoại sông Gâm”…
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cũng tích cực, chủ động phối hợp, tham gia các chương trình, các hoạt động do các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch Trung ương và thành phố Hà Nội triển khai. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số trong kinh doanh, nâng cao nghiệp vụ thuế doanh nghiệp do Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội tổ chức, tăng cường các hoạt động hợp tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Tăng cường liên kết, hợp tác, quảng bá để thu hút du khách
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động của Hiệp hội năm 2023 đã đóng góp vào sự phục hồi, phát triển của du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Trong kết quả đó có sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết, chủ động, vượt khó của các hội viên.
Theo ông Thản, cho đến nay những tác động và ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn rất lớn về các lĩnh vực trong đó có kinh tế, dịch vụ, môi trường đầu tư… đối với du lịch cũng bị ảnh hưởng lớn vẫn chưa hồi phục, nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn phải giải thể, đóng cửa, người dân đi du lịch giảm. Nhiều ngành bổ trợ cho du lịch như giao thông, viễn thông, dịch vụ phát triển không đồng bộ, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động du lịch còn rườm rà, các sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, chưa có nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách.
Ông Thản cho hay: Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, có thế mạnh, tiềm năng về lịch sử, văn hóa, lễ hội, tâm linh, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng…đó là những lợi thế để có thể nghiên cứu, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, qua đó giới thiệu, quảng bá, để thu hút khách, nhưng thực tế cho đến nay việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vẫn còn nhiều hạn chế.
“Trong năm 2024, để hoạt động của Hiệp hội Du lịch Hà Nội đạt hiệu quả cao hơn, nhằm khai thác những tiềm năng và lợi thế. Cần quan tâm, phát huy vai trò của các hội viên, các chi hội hướng dẫn viên, lữ hành, đầu bếp, cần phải nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, cần đổi mới tư duy, lời nói, việc làm, nâng cao trách nhiệm của Ban chấp hành, Ban thường vụ. Cần liên kết, hợp tác với nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần để tăng sức mạnh, tạo tâm thế, hỗ trợ nhau cùng đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, thống nhất, tạo nên trí tuệ tập thể cùng triển khai, thực hiện”, ông Thản nhấn mạnh.