- Việc nhiều trường, nhiều người quá đề cao IELTS liệu có thể dẫn đến việc lạm dụng chứng chỉ này, sai lệch bản chất của việc học Ngoại ngữ?
Mục đích tối thượng của học một ngoại ngữ là phải sử dụng được nó một cách thành thạo trong đa dạng các bối cảnh đời sống hàng ngày.
Muốn vậy, trước hết phải hiểu rõ văn hóa đích của ngôn ngữ đó và không ngừng thực hành giao tiếp với người bản địa qua nhiều kênh và phương tiện khác nhau.
Nếu học ngoại ngữ chỉ cho mục đích thi cử thì cái chúng ta có được khi theo học một ngoại ngữ chỉ là một tờ giấy chứng nhận vô tri mà thôi.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT khi dừng xét tuyển vào lớp 10 sử dụng chứng chỉ IELTS.
Trong thực tế, ở các cấp học hiện nay, việc ưu tiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS cho đánh giá, xếp loại năng lực tiếng Anh của học sinh thay cho chứng chỉ ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ GD&ĐT ban hành dẫn đến sự lệch lạc nhận thức trong việc định hướng dạy Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta.
Thực tế, chứng chỉ IELTS quốc tế được thiết kế như một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh dành chung cho thí sinh đến từ các quốc gia, mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ và mang tính học thuật hơn là ứng dụng cho giao tiếp trong thực tế đời sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, nó không có một chương trình cụ thể phục vụ cho mục đích giảng dạy và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các cấp độ của người học. Thay vào đó, những thí sinh muốn đạt được chứng chỉ này chủ yếu tập trung vào ôn luyện các dạng đề theo khung định sẵn .
Điều nguy hại nhất khi để cao chứng chỉ quốc tế này nó dẫn đến việc sai lệch mục đích của việc dạy và học tiếng Anh trong bậc học phổ thông.
Mục đích căn bản nhất của việc dạy và học tiếng Anh của bậc học phổ thông là phát triển dần các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh để hướng tới giúp hầu hết các em sau khi hoàn thành bậc phổ thông có thể sử dụng được tiếng Anh như một công cụ giao tiếp quốc tế.
Mà để đạt được mục tiêu này, không có chương trình ngoại ngữ nào khác ngoài chương trình ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn.
Nguy hại hơn, việc lạm dụng chứng chỉ quốc tế này làm tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh phổ thông vô tình gây ra bất bình đẳng trong giáo dục và xa rời khỏi sứ mệnh của nền giáo dục Việt nam, một nền giáo dục đại chúng và mọi học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lợi giáo dục.
Việc đề cao chứng chỉ quốc tế này chỉ tạo thuận lợi cho những học sinh gia đình khá giả, ở thành phố có điều kiện để ôn luyện; còn những học sinh bất lợi, yếu thế ở những vùng miền núi, vùng xa ngày càng trở nên bất lợi hơn và yếu thế hơn trong việc tuyển chọn vào các trường hay ngành học yêu cầu chứng chỉ này.
Vì vậy, không thể sử dụng bất kỳ tiêu chuẩn nào nằm ngoài tiêu chuẩn chung của Bộ GD&ĐT cho dù nó có được công nhận quốc tế. Có như vậy chúng ta mới có thể hình thành nên một nền giáo dục có tính hệ thống, đảm bảo sự nhất quán và thống nhất trong toàn bộ các bậc học.
Nó cũng đảm bảo được tính kế thừa, tính thực tiễn, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục dựa trên năng lực và phù hợp với thực trạng phát triển năng lực ngoại ngữ của học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.
- Xin cảm ơn TS về những chia sẻ!