Hiệu quả từ mô hình thư viện cộng đồng

14/10/2023, 07:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quá trình hình thành và hoạt động, các thư viện cộng đồng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tạo ra sân chơi bổ ích...

Chính thức mở cửa và đi vào hoạt động miễn phí từ tháng 5/2022, thư viện Hương – Hằng nằm tại tầng 2 nhà số 43 ngõ 140 phố Ngọc Thụy (quận Long Biên) rộng hàng trăm m2 và sở hữu gần 2 nghìn đầu sách ở các lĩnh vực như: Đời sống, xã hội, tự nhiên, sách tham khảo về các chương trình học tập, văn học - nghệ thuật, sách thiếu nhi, lịch sử, truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc Việt Nam. Sách được xếp trên giá theo từng thể loại giúp độc giả thuận tiện trong việc tìm đọc.

Chủ nhân của thư viện là gia đình ông Nguyễn Phú Hương và bà Nguyễn Thu Hằng. Bà Hằng chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là góp chút tâm sức lan tỏa văn hóa đọc cho người dân, nhất là học sinh trên địa bàn. Đây sẽ là địa chỉ thường xuyên lui tới cho các em đọc sách trong không gian yên tĩnh. Thư viện mở cửa vào các ngày trong tuần. Bên cạnh sự đồng hành từ các tổ chức/cá nhân về nguồn sách, hàng tháng gia đình tôi dành một khoản kinh phí nhất định để duy trì hoạt động cũng như bổ sung sách cho thư viện”.

Thành lập từ tháng 9/2013, thư viện Dương Liễu nằm tại thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) hiện có gần 10 nghìn đầu sách, tạp chí phong phú thể loại. Đây là thư viện tư nhân có giấy phép hoạt động đầu tiên của huyện Hoài Đức, hoạt động miễn phí cho mọi đối tượng. Thư viện mở cửa hàng tuần các tối thứ Ba, Năm, Bảy và Chủ nhật. Để mượn sách về nhà, độc giả cần đăng ký thẻ bạn đọc miễn phí, mượn tối đa 3 quyển sách/truyện và sau 10 ngày phải trả, hoặc đăng ký gia hạn thêm.

Là thành viên ban quản trị thư viện Dương Liễu, anh Nguyễn Huy Tỉnh thông tin, ban đầu nhóm thành viên sáng lập mong muốn tạo ra không gian dành cho trẻ em tới đọc sách, vui chơi để tránh xa các trò chơi game vô bổ. Đến nay, ngoài phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, thư viện còn tổ chức hàng trăm sự kiện lớn nhỏ vì cộng đồng như tặng bánh Trung thu cho trẻ em, bánh chưng Tết cho người già neo đơn trong xã, xây dựng các lớp học miễn phí cho học sinh cấp 2, tổ chức ngày hội bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn và được đông đảo người dân ủng hộ.

“Để phong trào đọc sách được lan rộng, thư viện phải trở thành nơi để trẻ em tiếp xúc với sách, học sinh nghĩ đến khi tìm nguồn tài liệu, phụ huynh yên tâm khi con em tới nơi. Để làm được điều đó cần sự chung tay đóng góp của cộng đồng; phụ huynh tạo điều kiện cho con em tham gia hoạt động của thư viện, chính quyền hỗ trợ địa điểm hoặc nguồn lực để tổ chức hoạt động; mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để thư viện có thể hoạt động ổn định và tạo ra nhiều sự kiện về sách phục vụ người dân”, anh Tỉnh nói.

Theo ông Vương Văn Lâm – Trưởng phòng GD&ĐT Hoài Đức (Hà Nội), các mô hình thư viện vì cộng đồng ra đời đã và đang góp phần quan trọng vào việc lan tỏa văn hóa đọc cho người dân, nhất là học sinh. Ngoài mô hình thư viện Dương Liễu, tại huyện Hoài Đức cũng có thêm thư viện mini tại xã Sơn Đồng do bà Viết Thị Thoa lập nên để thu hút học sinh tới đọc sách mỗi ngày hoặc cuối tuần. Mô hình vừa được UBND huyện khen thưởng tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Người tốt việc tốt năm 2023”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-thu-vien-cong-dong-post655865.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-thu-vien-cong-dong-post655865.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ mô hình thư viện cộng đồng