Dự án đặc biệt với HSI không chỉ giúp giám sát và hiểu rõ hơn về quần thể voi, mà còn cung cấp các nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ xung đột voi-người. Trong những năm qua, dữ liệu về địa điểm xảy ra xung đột, mức độ, tần suất xung đột, cũng như số lượng voi và phản ứng của chúng với các biện pháp giảm thiểu xung đột... đã được thu thập.
Theo chia sẻ của bà Thẩm Hồng Phượng tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia của HSI, khi voi và con người đều muốn có không gian trong cùng một môi trường sống hữu hạn, các tình huống xung đột có thể phát sinh và thậm chí trở nên trầm trọng hơn khi con người áp dụng các chiến thuật răn đe hăm dọa hoặc bạo lực. Những chiến lược này đang coi voi là thủ phạm hơn là một bên tham gia cần được thấu hiểu. Với dữ liệu nghiên cứu mới của HSI, có thể tiếp cận các tình huống xung đột dựa trên hiểu biết về các đặc điểm, hành vi, phạm vi và thói quen của những con voi, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp và khả thi để thúc đẩy hiệu quả hơn việc bảo tồn loài voi cũng như cải thiện mối quan hệ chung sống hài hòa giữa con người và voi.
"Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên công tác bảo tồn voi thông qua một chương trình bảo tồn voi quốc gia rất đáng hoan nghênh mà HSI đang hỗ trợ xây dựng, trong đó dự án tại Đồng Nai là một hợp phần quan trọng", bà Thẩm Hồng Phượng cho biết.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định: "Tỉnh Đồng Nai mong muốn là tỉnh đầu tiên áp dụng các sáng kiến mới trong nỗ lực bảo vệ các loài bị đe dọa".