Hiệu trưởng phải tiên phong xây dựng kế hoạch giáo dục

Hiếu Nguyễn | 24/08/2022, 06:31
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trong nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, vai trò hiệu trưởng trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường tiếp tục được nhấn mạnh.

Đây là hoạt động bắt buộc, cũng là giải pháp giúp các nhà trường chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh và các tình huống bất thường, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học.

Không còn bỡ ngỡ

Kế hoạch giáo dục nhà trường do hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành; kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn do các tổ chuyên môn xây dựng; kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy (giáo án) do giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng.

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phải bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

Đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, thống nhất giữa tổ chuyên môn và các tổ chức đoàn thể; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thực hiện chỉ đạo của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, ngay từ tháng 6 Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) đã xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học 2022 - 2023.

Chia sẻ của thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Quang Doanh, nhà trường đã dự kiến phân công chuyên môn để giáo viên, tổ chuyên môn nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị xây dựng kế hoạch giáo dục, đặc biệt là phương án phân công giáo viên dạy lớp 7.

Căn cứ kết quả năm học 2021 - 2022 và đặc điểm tình hình thực tế, nhà trường xây dựng chỉ tiêu, biện pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục bắt buộc, hoạt động trải nghiệm và hoạt động giáo dục khác cho năm học. Đầu tháng 8, trường gửi dự thảo kế hoạch đến 2 tổ chuyên môn để xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ. Sau đó, các tổ hướng dẫn thầy cô làm kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Cụ thể, với lớp 6, lớp 7 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018: Triển khai theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Đối với lớp 8, 9 học Chương trình GDPT 2006, thực hiện và hoàn thành chương trình theo hướng dẫn tại Công văn số 3280/BGDĐT- GDTrH ngày 27/8/2020 về điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT. Ngày 15/8, nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên đã hoàn thành xây dựng kế hoạch giáo dục năm học 2022 - 2023 để thầy cô chủ động về chương trình, kế hoạch dạy học.

“Năm thứ 3 thực hiện nên nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên đã có kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết và sát với hướng dẫn theo Công văn 5512 của Bộ GD&ĐT. Hơn nữa, sau một năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, năm nay định hướng xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương của nhà trường đã sát với yêu cầu của bộ môn, mang tính chuyên môn hóa cao hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” - thầy Phạm Quang Doanh chia sẻ.

Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang) cũng có kinh nghiệm bởi việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đã thực hiện được một năm. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung cho biết: Khó khăn lớn nhất từ năm học trước là phân trí giờ dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Chương trình giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm.

Do phải thực hiện giảng dạy theo từng chủ đề của từng phân môn nên có khi nhà trường bị động trong xếp thời khóa biểu; có thời điểm giáo viên dạy hơn 20 tiết/tuần/trong cùng buổi sáng hoặc chiều. Trong năm học này, việc bố trí phân công giảng dạy sẽ chủ động hơn tránh những vướng mắc của năm học trước. Ngoài ra, các hoạt động khác, nhà trường thực hiện theo hướng dẫn của sở/phòng GD&ĐT.

Hiệu trưởng giữ vai trò tiên phong xây dựng kế hoạch giáo dục ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

Gắn với đặc thù mỗi trường

Xây dựng kế hoạch giáo dục là nội dung quan trọng của nhà trường. Bên cạnh việc bám sát khung chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, yếu tố cốt lõi để kế hoạch giáo dục được triển khai hiệu quả là phải gắn liền với đặc thù của nhà trường.

Nhấn mạnh điều này, cô Huỳnh Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết: Trong xây dựng kế hoạch giáo dục, ban giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng phải đi tiên phong, dẫn dắt đội ngũ, phải đào tạo bồi dưỡng các thầy cô để có đủ năng lực, cùng với lãnh đạo nhà trường xây dựng cũng như triển khai kế hoạch giáo dục đó. Với mong muốn đổi mới, sáng tạo, ban giám hiệu nhà trường đã truyền được thông điệp tích cực và kế hoạch rõ ràng đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, tạo sự đồng thuận để cùng thực hiện.

Cô Huỳnh Thị Hương bày tỏ rất vui mừng khi Bộ GD&ĐT cho phép các trường được chủ động sắp xếp lại chương trình của Bộ, bỏ đi những kiến thức cũ, cập nhật nội dung mới. Từ đó, nhà trường có quyền tự chủ trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục đa dạng, phù hợp và tăng cường trải nghiệm cho học sinh.

Tuy nhiên, để kế hoạch giáo dục đạt hiệu quả, khả thi khi triển khai, thuận lợi khi thực hiện, kinh nghiệm của Trường Tiểu học Lý Thái Tổ là luôn thực hiện theo quy trình: Khảo sát năng lực, nguồn lực - xây dựng kế hoạch giáo dục - triển khai thực hiện - kiểm tra, đánh giá. Trong trường hợp thiếu thì phải có kế hoạch bổ sung trước khi thực hiện.

“Với định hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, căn cứ vào tiềm năng và nguồn lực sẵn có của mình, các trường trong Hệ thống Giáo dục Lý Thái Tổ đã phát triển thành kế hoạch giáo dục để đáp ứng được sự phát triển theo định hướng, mục tiêu đã xây dựng. Để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường sát sao, bám sát các hoạt động giáo dục, ban giám hiệu luôn có những buổi họp với các tổ trưởng chuyên môn để thảo luận, đánh giá, bổ sung thậm chí thay đổi các kế hoạch hoạt động giáo dục cho phù hợp. Chuẩn bị năm học 2022 - 2023, Hệ thống Giáo dục Lý Thái Tổ đã ổn định sĩ số các lớp học, đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh về chất lượng đã sẵn sàng và cơ sở vật chất đủ đáp ứng các yêu cầu dạy - học để có thể triển khai kế hoạch giáo dục một cách hiệu quả nhất, thực hiện tốt mục tiêu năm học đã đề ra” - cô Huỳnh Thị Hương thông tin.

Bài liên quan
Ngành Giáo dục phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt "Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học".

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu trưởng phải tiên phong xây dựng kế hoạch giáo dục