Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Nhóm PV | 12/08/2022, 06:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.

Tới tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Bùi Tuấn Quang - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Triệu Văn Cường- Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Quân - Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội; ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia TP HCM;

Cùng với sự góp mặt của ông Nguyễn Minh Hiển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính... cùng một số ban ngành và các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.

Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 và Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report
8 phút trước

Thanh Hóa: Kiến nghị giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục

Tại đầu cầu Thanh Hóa, dự hội nghị có ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, PGS.TS.Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh, các Phòng GD&ĐT huyện, thị, thành phố.

Năm học 2021-2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của hơn 2.000 cơ sở giáo dục tiếp tục được quy hoạch, đầu tư phù hợp với điều kiện của tỉnh. Công tác kiểm tra, đánh giá công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được ngành GD chỉ đạo quyết liệt...

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh phải) và PGS.TS. Trần Văn Thức chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, tại đầu cầu Thanh Hóa,

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu nhiều. Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Việc mua sắm trang thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 gặp nhiều khó khăn do Bộ GD&ĐT chỉ ban hành danh mục thiết bị, mà không có khung giá thiết bị. Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu Chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.

Thế Lượng

report
9 phút trước

Lai Châu: Mong muốn hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến

Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu phát biểu tại Hội nghị

Ngành GD&ĐT Lai Châu có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hàng năm chiếm trên 80%. Trong những năm qua, địa phương đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ giáo dục vùng dân tộc phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục cho con em theo học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, khi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc ban hành các quyết định về phân định khu vực đã tác động đến chính sách hỗ trợ học sinh ở các xã, thôn, bản không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã tham mưu ban hành một số chính sách hỗ trợ tiền ăn cho: Trẻ em từ 24 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh; học sinh tiểu học, THCS các xã khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 trên địa bàn tỉnh; học sinh ở bán trú tại các xã, thôn, bản thuộc khu vực III chuyển thành các xã, thôn, bản khu vực I. Từ đó, góp phần duy trì tỷ lệ chuyên cần, thúc đẩy chất lượng giáo dục dân tộc ngày một phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu kiến nghị: Để tiếp nối Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có hiệu quả, ngành GD&ĐT Lai Châu mong muốn có chương trình hỗ trợ thiết bị dạy học trực tuyến cho các nhà trường. Đặc biệt là những trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Hà Thuận

report
10 phút trước

Cà Mau: Kiến nghị Bộ GD&ĐT gỡ khó một số chính sách hỗ trợ cho học sinh tại địa phương

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021-2022, ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau thắng lợi lớn, ấn tượng ở 2 điểm: Chủ trương đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ GD&ĐT và tạo được sự đồng thuận xã hội cao. Mặc dù bước đầu thực hiện một số cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn nhưng được sự chỉ đạo của Bộ và sự ủng hộ đồng tình của xã hội đã đạt nhiều hiệu quả cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có chỉ đạo thực hiện về việc chuyển đổi số toàn ngành, trọng tâm là giáo dục, để địa phương không bị động và không bị trùng lắp. Năm học mới 2022-2023, ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau xác định việc chuyển đổi số là đột phá của ngành.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tại tỉnh Cà Mau.

Năm học qua, các đối tượng thụ hưởng theo chính sách TT01 của các Trường phổ thông dân tộc nội trú bị vướng, do đó việc tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản điều chỉnh, gỡ khó cho địa phương. Ngoài ra, sau 2 năm khi thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương, nhiều phụ huynh và học sinh bị cắt chế độ bảo hiểm xã hội, mong Bộ GD&ĐT phối hợp cùng BHXH có chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, sức khoẻ học đường là vấn đề lớn, 2 đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất sau hậu Covid-19 là công nhân lao động và học sinh, sinh viên. Rất mong Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình tổng thể về sức khoẻ học đường để địa phương có căn cứ thực hiện.

Trường Tiến

report
29 phút trước

Nghệ An: Triển khai nhiều đề án, mô hình giáo dục và đào tạo mang tính đột phá

Tại điểm cầu Nghệ An, dự hội nghị có ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBNĐ tỉnh, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện các Sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn…

Phát biểu trao đổi tại hội nghị, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và sáng tạo của Bộ GD&ĐT trong năm học qua.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Năm học 2021-2022, Giáo dục và đào tạo Nghệ An cũng đã đóng góp vào thành quả chung của giáo dục cả nước.

Trong đó quyết liệt tham mưu được nhiều văn bản, gồm 1 Nghị quyết của BCH Tỉnh ủy; 6 Nghị quyết của HĐND tỉnh và ban hành được 9 Quyết định, Kế hoạch của UBND tỉnh; triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ giáo dục Nghệ An phát triển đột phá trong giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt Nghệ An cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm học vừa qua, Nghệ An cũng thí điểm thành công mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục góp phần phát triển bền vững; giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi.

Nghệ An cũng có những đột phá trong xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng giáo dục: Mô hình phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non”; Mô hình trường trọng điểm chất lượng cao; trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Mô hình trường giúp trường, phòng giúp phòng.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay năm học vừa qua, Nghệ An triển khai nhiều giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo có hiệu quả. Đồng thời sẽ tiếp thu các chỉ đạo, định hướng tại hội nghị để triển khai nhiệm vụ cho năm học 2022-2023.

Để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học vừa qua, Nghệ An tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, sắp xếp, dồn dịch điểm trường đảm bảo thực hiện dạy học tin học, ngoại ngữ cho học sinh tiểu học.

Nghệ An cũng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về trường học đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, THCS và là tỉnh thứ 25 đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022, tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, trung thực và đúng quy chế.

Trong năm học tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp thu toàn bộ định hướng nhiệm vụ và giải pháp được triển khai trong hội nghị tổng kết năm học của Bộ GD&ĐT.

Tại hội nghị, ông Bùi Đình Long cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT và bộ, ngành liên quan tiếp tục ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông.

Có chính sách đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chuẩn mới, đáp ứng CTGDPT 2018. Quan tâm đặc biệt đến chương trình, chính sách về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chuyển đổi số.

Ông Bùi Đình Long cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế thí điểm trường mầm non, trường THPT công lập tự chủ; trường PTDT bán trú THPT thuộc các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đồng thời đề nghị Chính phủ hỗ trợ Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học”, “Quy hoạch tỉnh Nghệ An” và hỗ trợ nguồn lực để Nghệ An thực hiện thành công các đề án tái cơ cấu các trường ĐH, CĐ trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2050, Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Hồ Lài

report
44 phút trước

Hà Nội đề ra 6 giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm học

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin về 5 kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT trong năm học vừa qua. Thứ nhất, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát hệ thống trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138090 giáo viên., 72796 phòng học.

Toàn ngành đã triển khai thực hiện hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ 1233 cán bộ giáo viên hơn 4 tỉ đồng. Trao hơn 10 ngàn thiết bị học trực tuyến trị giá hơn 30 tỉ đồng. Công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Năm 2022 có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1464 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 6/2022, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta. Thành phố cũng đã khánh thành Trung tâm điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến đã có 86% tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Học sinh Hà Nội đã đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo tham luận.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đề ra 6 giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, đó là: Thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, nâng cao năng lực nhà giáo; triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục, cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, thích ứng với thời kì mới.

Ban hành chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội, xây dựng cải tạo trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn giáo dục đại trà thực hiện chương trình GDPT 2018. Tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường.

Ngành GD-ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét , cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, cho phép kí hợp đồng lao động với nhân viên làm công tác chuyên môn. Đồng thời kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Vân Anh

report
44 phút trước

TPHCM: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thay đổi và phát triển

Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, trong năm học vừa qua, công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục luôn được tập trung nguồn lực thực hiện bằng sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung.

“Trong cuộc đấu tranh đẩy lùi đại dịch Covid-19, TPHCM luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo, hỗ trợ sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành Trung ương. TPHCM cũng nhận được tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, đồng hành, giúp đỡ của các tỉnh thành, của người dân cả nước”, ông Hiếu cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Hiếu, Lãnh đạo và chính quyền TPHCM hiểu rõ, giáo dục sẽ có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung và TP nói riêng. Nhờ đó đã giúp Giáo dục TPHCM vượt qua khó khăn, giữ vững được thành tích, chất lượng đào tạo, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, là một trong những ưu tiên hàng đầu.

“Việc đưa học sinh trở lại trường học ngoài việc đáp ứng công tác chuyên môn, đảm bảo việc dạy-học và phát triển học sinh toàn diện còn là một nỗ lực giúp cho người dân an tâm công tác, góp phần vào nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế của TP”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện nay vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật - dẫn tới chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thành phố. Lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục TPHCM.

“Năm học 2022-2023, trong bối cảnh tình hình bình thường mới, ngành giáo dục thành phố sẽ biến khó khăn, thách thức mà đại dịch gây ra thành động lực, thành cơ hội để thay đổi và phát triển”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hồ Phúc

report
1 giờ trước

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Năm học 2021-2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó đã phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện. Qua đó, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 được tổ chức thành công đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Chất lượng GD phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của ngành Giáo dục

Chất lượng GDĐH có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở GDĐH lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.

Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Ngành GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Vân Anh

report
1 giờ trước

Mong ý kiến đóng góp giải pháp cho ngành Giáo dục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định:Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Đây là năm học quan trọng và cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; và là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra, chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021 - 2022 đã được thực hiện.

Để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành Giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên.

Tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá kết quả đạt nước trong năm học vừa qua, đặc biệt đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại một số tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới.

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng mong muốn được nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của các vị đại biểu, các vị khách quý để đánh giá về những kết quả đã đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục khắc phục. Đặc biệt là đóng góp ý kiến, giải pháp để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Chính phủ giao cho, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Nguyễn Nhung



Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoi-nghi-tong-ket-nam-hoc-2021-2022-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-2022-2023-post604059.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoi-nghi-tong-ket-nam-hoc-2021-2022-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-2022-2023-post604059.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023