Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường học trên cả nước xây dựng phương án đồng hành, hỗ trợ thí sinh tự do có nhu cầu ôn và thi lại.
Tiết học của cô trò lớp 12 Trường THPT Hương Khê (Hương Khê, Hà Tĩnh). Ảnh: NTCC |
Năm 2023, em Võ Thị Thùy Linh (Nghi Lộc, Nghệ An) trúng tuyển nguyện vọng 3, ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau một thời gian học, Thùy Linh nhận thấy không có hứng thú với ngành học đã chọn. Bởi vậy, em xin bảo lưu kết quả, về quê ôn thi lại với mong muốn trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay.
“Để đưa ra quyết định này, em đã cân nhắc rất nhiều, song muốn thử sức thêm lần nữa. Nếu lần này không đỗ trường mong muốn, em sẽ quay trở lại học tiếp ở ĐH Bách khoa Hà Nội”, Thùy Linh chia sẻ.
Nữ sinh nhìn nhận, một trong những thuận lợi mà bản thân đang có chính là nền kiến thức cốt lõi khá vững. Hiện, em tham gia một số khóa luyện đề trực tuyến, đồng thời tìm đến thầy cô cũ để hỏi kinh nghiệm và nhờ hỗ trợ phần kiến thức bị hổng. Thùy Linh cảm thấy được an ủi và vững tâm hơn bởi dù đã tốt nghiệp 1 năm nhưng quay trở lại trường ôn tập vẫn nhận được sự hỗ trợ, động viên tối đa của thầy cô. Em được tham gia lớp ôn thi cùng thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Tương tự, em Trần Văn Bảo (Can Lộc, Hà Tĩnh) từng trượt nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Điện lực nên ở nhà ôn để thi lại. Thời điểm này, Bảo tập trung cao độ để ôn lại kiến thức, cố giành 1 suất vào trường đại học mơ ước. Bảo dự kiến giữa tháng 4, khi thí sinh lớp 12 hoàn thành chương trình chính khóa, em sẽ đến trường THPT từng học xin luyện đề cũng như nhờ thầy cô hướng dẫn thêm kỹ năng làm bài thi.
Bảo chia sẻ: “Dù thi lần 2, chỉ thi 3 môn để lấy điểm xét tuyển đại học, song em vẫn thấy áp lực. Em đã làm thử đề thi tham khảo và nhận thấy độ phân hóa của đề khá cao. Ví dụ ở môn Vật lý, kiến thức lớp 11 chiếm 10% (4 câu) ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Những câu hỏi vận dụng cao chủ yếu thuộc Vật lý 12 phân bố ở các chương 1; 2; 3; 5. Do đó, em phải tập trung ôn tập, vững tâm và bỏ qua những ngại ngùng việc ôn/thi lại với các em khóa sau”.
Tại Trường THPT Hương Khê (Hương Khê, Hà Tĩnh), sau khi kết thúc học kỳ I, nhà trường phát thông báo tới học sinh, phụ huynh, người dân trong địa bàn huyện biết và thông tin tới thí sinh tự do có thể đến đăng ký ôn luyện tại trường. Nhà trường sẽ tổ chức đánh giá năng lực sau đó sắp xếp lớp phù hợp với khả năng, tổ hợp mà thí sinh dự kiến xét tuyển.
Thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê cho biết: Nhà trường đang hỗ trợ 2 thí sinh tự do đến ôn luyện từ đầu học kỳ II, trong đó 1 em học tổ hợp Khoa học tự nhiên, em còn lại học tổ hợp Khoa học xã hội. Ban giám hiệu đã quán triệt giáo viên bộ môn sát sao, hỗ trợ tối đa cho các thí sinh tự do.
“Hai thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển đại học. Theo đó, chúng tôi đã cung cấp đề cương, tài liệu, chương trình ôn và cập nhật thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh của một số trường đại học cho các em. Đối với chương trình chính khóa học trên lớp vào buổi sáng, trường không thu bất kỳ khoản phí nào. Nhà trường, thầy cô coi đây như trách nhiệm và cố gắng giúp đỡ để các em yên tâm ôn tập, thi cử”, thầy Cương cho biết.
Võ Thị Thùy Linh (Nghi Lộc, Nghệ An), thí sinh tự do đang ôn luyện. Ảnh: NTCC |
Hằng năm, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đều chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn hỗ trợ thí sinh tự do học tập tại trường có nguyện vọng tham gia; Không nhất thiết phải là học sinh của trường năm trước mới được ôn tập tại trường.
Bà Phan Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các trường thông báo rộng rãi để thí sinh tự do có nguyện vọng ôn tập có thể đến đăng ký ôn tại trường. Nhà trường tổ chức phân loại, sắp xếp lớp ôn đúng nguyện vọng, năng lực của thí sinh để quá trình ôn tập đạt hiệu quả cao nhất. Việc ôn tập không phân biệt hoặc tạo ra khoảng cách giữa thí sinh tự do với học sinh nhà trường. Mặt khác, các trường phải thực hiện tốt việc hướng dẫn thí sinh tự do đăng ký dự thi theo đúng quy định”.
Trước đó, Sở GD&ĐT Lạng Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức 2 kỳ thi thử trực tiếp cho các trường và 2 đợt kiểm tra trực tuyến cho 100% học sinh lớp 12 (thí sinh tự do có thể tham gia nếu đã đăng ký ôn tập tại trường).
Sau khi có kết quả, sở phối hợp với các trường tiến hành tổng hợp, phân tích chất lượng làm bài của học sinh và chỉ rõ các kỹ năng còn yếu hoặc chưa đạt để rèn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp. Sau các đợt thi thử, sở GD&ĐT cũng định hướng các trường điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp ôn tập hiệu quả với cả thí sinh lớp 12 và tự do.
Tương tự, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã quán triệt quan điểm: Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược. Theo đó, các trường xem xét, bố trí số tiết ôn tập phù hợp trên cơ sở đề xuất của tổ chuyên môn, nhu cầu thực tế của học sinh… để không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe học trò trong quá trình ôn tập.
Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết thêm: “Đối với nhóm thí sinh đã hoàn thành chương trình nhưng chưa tốt nghiệp cũng được sở GD&ĐT quan tâm. Sở yêu cầu các nhà trường, tùy điều kiện cụ thể tổ chức ôn tập cho những em có nguyện vọng ôn tập để thi lại”.
“Năm nay, Trường THPT Hương Khê có 534 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, thầy và trò nhà trường đang gấp rút hoàn thành chương trình chính khóa, ôn lại kiến thức và luyện đề. Nhà trường còn tổ chức 3 lớp riêng cho 53 thí sinh học lực yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp để thầy cô tập trung gia cố kiến thức”, thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê chia sẻ.