Từ thực tiễn năm 2022, các nhà trường đã rút ra bài học kinh nghiệm để có thể triển khai tốt hơn hoạt động đăng ký dự thi năm nay, cả với hình thức trực tuyến và trực tiếp. Với Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang), bài học được thầy Lê Văn Thọ chia sẻ là cần tuyên truyền để học sinh thấy được ưu điểm của việc đăng ký trực tuyến; tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho học sinh qua bộ môn Tin học.
Đồng thời, cần chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết của học sinh, đặc biệt là thông tin liên quan đến tài khoản trực tuyến trên hệ thống thi tốt nghiệp, như số điện thoại, địa chỉ email. Hai thông tin này của học sinh khai báo trên hệ thống thi tốt nghiệp THPT còn dùng để đăng ký và nộp kinh phí nguyện vọng trực tuyến sau khi có kết quả thi.
“Kinh nghiệm của nhà trường là thành lập Ban hồ sơ và hỗ trợ học sinh trong đăng ký thi tốt nghiệp (cả trực tiếp và trực tuyến), tuyển sinh ĐH, CĐ do hiệu trưởng làm trưởng ban; một phó hiệu trưởng làm phó ban thường trực. Thư ký hội đồng đồng thời phụ trách mảng công nghệ thông tin, các thành viên gồm tổ văn phòng và giáo viên chủ nhiệm lớp 12. Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ, mục tiêu là 100% học sinh thực hiện được việc đăng ký thi trực tuyến. Mong rằng, hệ thống cho phép nhà trường nhập sẵn thông tin đã có khi tạo tài khoản trực tuyến cho các em. Như vậy, khi học sinh vào đăng ký chỉ phải bổ sung thêm thông tin còn thiếu, rà soát và sửa lại nếu sai”, thầy Lê Văn Thọ thông tin và đưa kiến nghị.
Chia sẻ về triển khai đăng ký dự thi trực tuyến, cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Năm 2022, do được tuyên truyền, phổ biến kỹ lưỡng nên học sinh rất chủ động và hoàn thiện hồ sơ dễ dàng.
Ban giám hiệu quan tâm sát sao, thầy cô trong Ban hồ sơ chủ động, tích cực, nên mọi thắc mắc, sai sót về hồ sơ của học sinh được giải quyết khá nhanh, bảo đảm thời gian theo kế hoạch. Một cách làm được trường thực hiện khá hiệu quả là lập nhóm Zalo các học sinh khối 12 với sự tham gia trực tiếp của hiệu trưởng, 2 thầy cô môn Tin học trực tiếp làm công tác hồ sơ. Mọi thông tin mới, điều chỉnh được cập nhật kịp thời; những sai sót về hồ sơ được sửa chữa, cập nhật nhanh chóng, chính xác.
Thông tin về công tác chuẩn bị của nhà trường cho năm nay, cô Vương Xuân Thuận cho biết sẽ thành lập Ban hồ sơ do hiệu trưởng trực tiếp làm trưởng ban. 2 giáo viên Tin học - thành viên Ban hồ sơ - trực tiếp rà soát thông tin học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành.
Ban hồ sơ lên kế hoạch kiểm tra, rà soát, điều chỉnh thông tin bảo đảm chính xác, đối chiếu khớp trên cơ sở dữ liệu ngành với hồ sơ giấy của học sinh. Nhà trường bố trí 2 phòng Tin học kết nối Internet, thường trực ngoài giờ học để học sinh có thể chủ động cập nhật thông tin cá nhân trên phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT.
“Để triển khai tốt hơn hoạt động này, mong có hướng dẫn cụ thể hơn với việc sử dụng phần mềm (bằng video) giúp các em nắm rõ công việc cần làm dễ dàng hơn”, cô Vương Xuân Thuận chia sẻ.
Thí sinh có 20 ngày đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển
Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2023. Theo đó, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7. Từ ngày 12/8 đến 17 giờ ngày 20/8, cơ sở đào tạo tải dữ liệu, thông tin xét tuyển; điểm thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập cấp THPT trên Hệ thống; điểm các kỳ thi (nếu có); Tổ chức xét tuyển.
Cũng trong thời gian trên, Vụ Giáo dục Đại học, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) sẽ phối hợp với cơ sở đào tạo tiến hành xử lý nguyện vọng trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Trước 17 giờ ngày 22/8, cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 6/9, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.