Giữa tháng 4/2023, trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô TPHCM, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung xúc động nhớ lại những ngày mang thân phận bị can.
Ông Lê Hoài Trung nói rằng, động thái quyết liệt trong đền bù giải phóng mặt bằng ngày đó còn có một nguyên do: Thể diện quốc gia và lời hứa với Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông kể: Năm 2001, tôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND quận 12. Về nhận công tác được vài hôm thì chú Sáu Khải về quận 12 tiếp xúc cử tri. Chú Sáu gọi tôi đến gặp riêng, căn dặn: “Hai Trung ráng lo dự án đường Xuyên Á giúp chú. Mình làm chậm, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) họ kêu quá. Ba lần chú nói họ thông cảm rồi, bây giờ khó mở lời lắm…”.
Hiểu được nỗi trăn trở của Thủ tướng, ông Lê Hoài Trung đã trực tiếp xuống thị sát dự án và ghi nhận nhà đất của nhiều hộ dân đã giải tỏa, bàn giao cho chủ đầu tư nhưng đất quân đội trong phạm vi dự án thì chưa có đơn vị nào chịu bàn giao. Mà, việc thu hồi đất quân đội không hề đơn giản đối với chính quyền cấp quận. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Trung quyết định nhờ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giúp đỡ.
Lấy cớ ra mắt lãnh đạo Quân khu 7 khi về nhậm chức, ông Trung tổ chức một bữa liên hoan và mời Trung tướng Nguyễn Văn Chia, Tư lệnh Quân khu 7 cùng nhiều lãnh đạo Quân khu đến dự. Trong bữa tiệc, ông Trung đã thuật lại lời của Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao đổi với ông. Ông Trung nhớ lại: “Nghe tôi kể, anh Ba Chia và anh lãnh đạo Quân khu 7 rất xúc động. Các anh hứa sẽ hỗ trợ hết mình cho địa phương. Ngay hôm sau, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ra thông báo, yêu cầu các đơn vị giao đất cho địa phương. Đơn vị nào chậm trễ, lãnh đạo đơn vị đó sẽ bị kỷ luật”.
Nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo Quân khu 7, việc thi công tuyến đường Xuyên Á nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh đã được khởi động lại sau khi quận 12 bàn giao mặt bằng.
Được bảo vệ
Quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Hoài Trung tuy được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn nhưng tại thời điểm ấy có một số cơ quan không đồng tình.
Là người con của vùng đất “Mười tám thôn vườn trầu”, từng là Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, ông Trung rất hiểu về hoàn cảnh lịch sử, nguồn gốc đất của các hộ dân trong Đài Quán Tre cũng như các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong thời gian điều tra, không chỉ các bị can kêu oan, UBND TPHCM cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết định của ông Lê Hoài Trung trong việc chi trả đền bù là phù hợp với chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của thành phố. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Văn bản số 694/BTNMT-ĐĐ gửi cơ quan điều tra khẳng định: Nhà đất 15 hộ dân trong khu vực Đài Quán Tre đủ điều kiện được đền bù. Việc Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng quận 12 xác nhận các hộ dân này đủ điều kiện đền bù là phù hợp với chính sách đền bù thiệt hại và tái định cư bắt buộc của ADB đã được quy định tại danh mục 6 của Hiệp định vay vốn 1660-VIE, phù hợp Nghị định số 17/2001/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra nghiên cứu, đánh giá cụ thể chứng cứ buộc tội, thống nhất ý kiến với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về quan điểm, đường lối xử lý vụ án, bảo đảm phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế về sử dụng vốn ODA, không được để oan sai và kéo dài.
Tuy nhiên, quá trình đi tìm công lý không hề đơn giản. Một năm sau ngày bị khởi tố, không đủ cơ sở để buộc tội ông Trung, cơ quan tố tụng lại có quyết định thay đổi tội danh từ “Cố ý làm trái” chuyển sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau 3 lần gia hạn điều tra nhưng vẫn không kết thúc được vụ án, đầu tháng 5/2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra nghiên cứu, đánh giá cụ thể chứng cứ buộc tội, cũng như mọi vấn đề liên quan đến vụ án.
Tháng 8/2008, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã công bố quyết định đình chỉ vụ án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với ông Lê Hoài Trung. Viện Kiểm sát cũng yêu cầu cơ quan điều tra trả lại số tiền các hộ dân đã nộp.
Ông Lê Hoài Trung xúc động kể, những ngày gặp hoạn nạn, tập thể lãnh đạo TPHCM và nhiều đồng chí lãnh đạo ở Trung ương luôn bên cạnh động viên và tìm mọi cách giải oan để bảo vệ ông. Ngày ông bị đình chỉ công tác để chờ xử lý, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quyết định cử ông đi học lớp chuyên viên cao cấp ở Hà Nội. Đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết (sau này là Chủ tịch nước) đã giao nhiệm vụ cho một Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trực tiếp cầm hồ sơ ra Hà Nội cung cấp cho lãnh đạo Bộ Công an để làm sáng tỏ bản chất vụ án.
Sau khi ông Lê Hoài Trung được minh oan, từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2011, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và cơ quan điều tra đã lần lượt có quyết định đình chỉ điều tra đối với 7 cán bộ còn lại. Ngày 24/4/2009, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 Lê Hoài Trung được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM.
(Còn nữa)