Hoa lựu trong thơ ca

11/07/2023, 08:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong khu vườn thơ ca lung linh sắc màu, hoa lựu không xuất hiện dày như nhiều loài khác nhưng sắc đỏ rực rỡ để lại những ấn tượng khó phai.

Lựu sớm đi vào thơ, không chỉ trở thành hình ảnh của mùa Hè mà còn là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa độc đáo.

Loài hoa của mùa Hè

Lựu hay thạch lựu (âm Hán Việt là “lưu” nhưng ta quen đọc là “lựu”) là loài cây thân gỗ, quả nhiều hạt, hoa màu đỏ nở vào mùa Hè. Đặc điểm này khiến hoa lựu thường được nhắc đến trong thơ ca với tư cách là hình ảnh của mùa Hè, bên cạnh hoa sen.

Thật vậy, trong thơ ca trung đại, nếu như mùa Xuân gắn liền với lan, đào, mùa Thu gắn với hoa cúc, mùa Đông gắn với lão mai, hàn mai thì nhắc đến mùa Hè, các thi nhân thường sử dụng biểu tượng hoa sen, hoa lựu. Bước đi của mỗi mùa thường gắn với hình ảnh của một loài hoa biểu tượng. Trong truyện thơ Nôm Bích câu kỳ ngộ, hai câu thơ sau thể hiện tiêu biểu cho điều này: Đua chen thu cúc xuân đào/ Lựu phun lửa hạ, mai chèo gió đông.

Bên cạnh xuất hiện như một tín hiệu với vai trò thông báo cho ý niệm mùa Hè, hoa lựu còn được miêu tả cụ thể, ấn tượng thơ nhiều vần thơ Hán, Nôm. Hẳn không người yêu thơ nào quên được hình ảnh hoa lựu đơm bông lập lòe nơi góc tường dưới đêm hè trăng sáng vang vọng tiếng chim quyên của đại thi hào Nguyễn Du trong hai câu thơ được xem là xuất thần của kiệt tác Truyện Kiều: Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông. Đây có thể xem là một trong những vần thơ hay nhất về hoa lựu trong thơ Việt.

Trong Bảo kính cảnh giới bài 43 (người biên soạn sách giáo khoa đặt lại nhan đề Cảnh ngày hè), đại thi hào Nguyễn Trãi đã thể hiện một cách sinh động bức tranh mùa Hè ở thôn quê nước Việt với những hình ảnh nổi bật, ấn tượng, trong đó có mái hiên với hoa lựu nở thật sung mãn khiến thi nhân cứ ngỡ như sắc đỏ cứ phun, cứ tràn ra: Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ. Trong câu thơ của Nguyễn Trãi, bằng một từ “phun” đắt giá, nhà thơ đã thể hiện một cách sống động vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa đại diện cho mùa Hè.

Hoa lựu hình chuông, nở dày, màu đỏ rực như lửa, thường gây ấn tượng mạnh đối với thị giác. Người xưa gọi là “lựu hỏa”, tức là “lửa lựu” như cách nhà thơ Nguyễn Du miêu tả loài hoa này trong đêm Thúc Sinh gặp Thúy Kiều. Bởi đó, nhắc đến hoa lựu người ta thường liên tưởng đến lửa. Trong bài thơ chữ Hán Hựu thứ Cấn Trai vận (lại họa thơ Cấn Trai), tác giả Lê Quang Định (1759 - 1813) đã nhắc đến thạch lựu với ý nghĩa biểu trưng này: Phong vị thạch lưu nhiên cựu tẫn/ Vũ liên Tương trúc tẩy dư san (Gió vì thạch lựu đốt tro cũ/ Mưa thương Tương trúc [điển “cây trúc bên bờ sông Tương”] rửa lệ dư).

Trong thơ hiện đại, hoa lựu cũng thường được nhắc đến với hình ảnh sáng rực như lửa, như nắng là loài hoa của mùa Hè xứ nhiệt đới. Trong thơ của nữ sĩ Anh Thơ (1918 - 2005), hoa lựu nở đầy trong vườn là điểm nhấn của bức tranh buổi trưa hè tĩnh lặng, yên vắng nơi thôn quê xứ Bắc: Trời trong biếc không qua mây gợn trắng/ Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa/ Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua (Trưa hè).

Nếu như các thi sĩ khác nhìn thấy ở hoa lựu là những ngọn lửa “lập lòe”, lửa “phun”, lửa “đốt”, nắng “đỏ” mạnh mẽ thì với nữ sĩ Xuân Quỳnh, bằng cái nhìn đầy tính nữ, lại thấy ở hoa lựu hình ảnh đốm lửa mới nhen dịu dàng, ấm áp. Trong bài thơ Những bông hoa đầu tiên ra đảo, bà có những vần thơ thật hay về các loài hoa được mang ra trồng nơi đảo xa giữa trùng khơi, trong đó có hoa lựu: Chỉ có hoa mẫu đơn/ Ở lâu rồi trên đảo/ Dù lộng lẫy đến đâu/ Một mình thành đơn điệu/ Dù đẹp đến thế nào/ Một mình cũng buồn héo// Giờ mới thêm hoa lựu/ Như đốm lửa vừa nhen/ Hoa ngâu còn mềm yếu/ Sống xa nhà chưa quen/ Lạc vài bông lay ơn/ Những dáng người thành phố/ Cây ngọc lan còn nhỏ/ Nên mùi hương chưa về/ Phượng chưa đỏ màu ve/ Hát trên miền đất lạ.

Là một trong những loài hoa nổi bật của mùa Hè, hoa lựu cũng thường xuyên được nhắc đến trong thơ thiếu nhi. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa có bài lục bát với nhan đề Hoa lựu viết riêng về cây lựu.

Bài thơ là công trình trồng lựu, chăm lựu đến ngày ra hoa, kết quả và tình cảm của “em” dành cho chú bộ đội với những hình ảnh độc đáo về hoa lựu vừa quen thuộc vừa độc đáo: Em trồng cây lựu xanh xanh/ Cuốc kêu chưa dứt mà cành đầy hoa/ Hoa lựu như lửa lập lòe/ Nhớ khi em tưới, em che hàng ngày/ Nhớ khi mưa lớn, gió lay/ Em mang que chống cho cây cứng dần/ Trưa nay bỗng thấy ve ngân/ Ve ngân trưa nắng, quả dần vàng tươi/ Em ăn thấy nó ngọt bùi/ Tặng chú bộ đội, chú cười với em/ Đêm về đạn chú bắn lên/ Đỏ như hoa lựu trên nền trời xanh.

Nếu như trong thơ người lớn, hoa lựu thường được nhắc đến như là hình ảnh mang tính chất biểu tượng/ dự báo cho mùa Hè thì trong thơ thiếu nhi, hoa lựu thường được khám phá ở góc độ đặc điểm sinh học như là một cách thức chuyển tải tri thức sinh vật học, bồi đắp tình yêu thiên nhiên cho trẻ em. Hoa kết trái của tác giả Thu Hà là một tác phẩm tiêu biểu cho điều này.

Trong bài thơ, nhiều loài hoa được nhắc đến với những tính chất đặc trưng của loài, chủ yếu là đặc trưng màu sắc, hình dáng. Trong đó, hình ảnh hoa lựu được thể hiện sinh động bằng hình ảnh so sánh đốm lửa quen thuộc: Hoa cà tim tím/ Hoa mướp vàng vàng/ Hoa lựu chói chang/ Đỏ như đốm lửa// Hoa vừng nho nhỏ/ Hoa đỗ xinh xinh/ Hoa mận trắng tinh/ Rung rinh trước gió// Này các bạn nhỏ/ Đừng hái hoa tươi/ Hoa yêu mọi người/ Nên hoa kết trái.

Có thể thấy, hoa lựu xuất hiện rất sớm trong thơ, từ thời trung đại đến hiện đại, hoa lựu vẫn là đối tượng thẩm mỹ hấp dẫn nhiều nhà thơ, là nguồn cảm hứng dạt dào của không ít tác phẩm. Và trong hành trình thơ ca bất tận ấy, hoa lựu luôn được nhắc đến với những đặc trưng không lẫn với bất cứ loài hoa nào. Đó là hình ảnh loài hoa đỏ rực như lửa, biểu tượng của mùa Hè. Bên cạnh đó, hoa lựu đi vào thơ ca còn mang những ý nghĩa biểu tượng khác.

Hoa lựu trong thơ ca ảnh 1

Những ý nghĩa biểu tượng khác

Hoa là biểu tượng của cái đẹp. Đi vào văn chương, tùy theo tâm thức văn hóa – thẩm mỹ của từng cộng đồng, từng giai đoạn lịch sử hay chủ ý sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, hoa còn mang những ý nghĩa biểu tượng khác. Chẳng hạn, trong văn chương trung đại, nếu hoa đào thường tượng trưng cho người hồng nhan thì hoa mai lại là biểu tượng của người quân tử. Với những tác giả tài năng, hoa trong sáng tác của họ còn được “phú” cho những nét nghĩa mới lạ, độc đáo mà Nguyễn Du với Truyện Kiều, Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc là những trường hợp tiêu biểu. Hoa lựu đi vào văn chương cũng mang những ý nghĩa biểu tượng riêng.

Nếu như trong văn học viết, hoa lựu thường được dùng với hình ảnh loài hoa biểu tượng của tự nhiên (mùa Hè) thì trong thơ ca dân gian, hoa lựu lại được nhắc đến như một biểu tượng xã hội với những lớp ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Cũng như các loài hoa khác như sen, đào, mai, cúc, lài (nhài), hồng, huệ…, hoa lựu xuất hiện rất sớm và khá quen thuộc trong ca dao. Có điều này có lẽ do lựu cũng một loài hoa khá phổ biến ở nông thôn Việt ngày trước. Một điều thú vị khác là, lựu cũng như hầu hết các loài hoa được nhắc đến trong ca dao ít được chú ý miêu tả các đặc điểm sinh học như màu sắc, hình dáng, kính thước, hương thơm, chu kỳ phát triển… Hiện tượng này có nguyên nhân từ việc hoa được sử dụng trong ca dao mang tính chất biểu tượng rất cao. Hoa lựu là một trường hợp điển hình cho đặc điểm này.

Trước hết, trong mối quan hệ với đối tượng khác mà chủ yếu là các loài hoa, lựu trong ca dao là biểu tượng của tình yêu với những trạng huống, cung bậc cảm xúc phong phú, muôn màu. Trong mối quan hệ với đào, lựu là biểu tượng của nỗi nhớ nhung, mối liên hệ khắng khít của gái trai trong tình yêu đôi lứa: Bùn xa bèo, bùn khô bèo khéo/ Lựu xa đào, lựu ngã đào nghiêng.

Có khi, cũng là lựu và đào nhưng hoa lại được dùng để chỉ trạng thái cảm xúc sượng sùng vì xa mặt cách lòng trong tình yêu: Mấy năm cách lựu xa đào/ Ngày nay gặp mặt biết chào làm sao. Đôi khi, hình ảnh lựu cùng với lê, đào được các tác giả dân gian sử dụng để ám chỉ những người con gái trong mối quan hệ tình yêu tay ba, tay tư trớ trêu hay trong lời bông đùa, chọc ghẹo của các chàng trai: Lựu lê anh cũng muốn trồng/ Hai em anh cũng thương đồng cả hai; Cây lê, cây lựu, cây đào/ Ba cây anh cũng muốn rào cả ba.

Một số trường hợp, lựu còn được dùng để chỉ những khách thể bên ngoài ảnh hưởng đến tình yêu theo một chiều hướng nào đó, thường là tiêu cực: Mảng coi ong bướm quấn quýt cây đào/ Mảng coi lê lựu quên chào bạn xưa. Tình yêu lứa đôi có muôn vàn cung bậc, trạng thái. Thể hiện tình yêu trong ca dao, các tác giả dân gian người Việt thường xuyên mượn đến các biểu tượng hoa, trong đó có hoa lựu, như là tín hiệu thẩm mỹ chủ đạo. Có thể xem đây là một nét độc đáo của ca dao tình yêu người Việt.

Bên cạnh tình yêu, hoa lựu trong ca dao còn là biểu tượng mang những ý nghĩa xã hội khác. Chẳng hạn, trong nhiều tác phẩm ca dao, lựu cùng với lê, đào, sen trong mối quan hệ đối lập với chanh, khế, củ ấu, rau muống thường được sử dụng để ẩn dụ cho những đối tượng cao quý: Có đâu sen, ấu một bồn/ Có đâu chanh, khế sánh phần lựu, lê; Ai cho sen, muống một bồn/ Ai từng chanh, khế sánh phần lựu lê…

Như vậy, nếu trong thơ ca thành văn, hoa lựu là một thực thể sinh học trở thành đối tượng thẩm mỹ được chú ý miêu tả ở màu sắc đỏ nổi bật, là hình ảnh thiên nhiên tiêu biểu của mùa Hè, đôi khi được ký thác những cảm xúc, suy tư của tác giả (Ngoài sân hoa lựu đang than thở/ Run rẩy trong này kẻ chán chê – Hoa Du Kha; Nắng thiêu hoa lựu đỏ cành/ Tình em thiêu cháy tim anh thủa nào – Mặc Tiêu Phong), thì trong thơ ca dân gian, lựu gần như chỉ là một biểu tượng, như những biểu tượng hoa khác. Đây cũng là nét riêng trong cách tri nhận về thiên nhiên, về hoa của dân gian so với các tác giả văn học viết.

Hoa lựu trong thơ ca ảnh 2

Ảnh minh họa ITN.

Tạm kết

Cũng như văn chương của các dân tộc khác, văn chương người Việt rất chuộng hoa và nói rất nhiều về hoa. Bởi như một quy luật mang tính phổ quát, hoa là cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống. Hoa còn là cái đẹp mong manh, chóng tàn dễ gợi bao niềm luyến lưu, thương cảm. Bởi đó, hoa trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, đối tượng thẩm mỹ quan trọng của văn chương, nhất là thơ ca, là điều tất yếu.

Cũng như bao loài hoa khác, hoa lựu đi vào thơ ca rất sớm. Từ ca dao, thơ trung đại đến thơ hiện đại, dù được miêu tả một cách rực rỡ, lộng lẫy hay chỉ được sử dụng như một biểu tượng mang ý nghĩa nhân sinh, hoa lựu vẫn để lại những dấu ấn khó phai với vẻ đẹp riêng qua những vần thơ hay, độc đáo. Đây có thể xem là một trong những loài hoa ấn tượng trong thơ Việt, bên cạnh những loài khác như mai, cúc, sen, đào…

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa lựu trong thơ ca