Các bác sĩ Khoa Nam học Y học giới tính, BV Đai học Y Hà Nội cho biết, chỉ trong vòng một tuần sau khi trời trở rét BV Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhân 3 bệnh nhân còn rất trẻ, tuổi từ 13 - 18 tuổi đến khám vì đau tinh hoàn, được các bác sỹ chẩn đoán là xoắn tinh hoàn. Rất tiếc cả 3 trường hợp đều tới rất muộn, dẫn tới tinh hoàn hoại tử, nên bác sỹ đã phải cắt bỏ.
Bệnh lý xoắn tinh hoàn (còn gọi là xoắn thừng tinh) là hiện tượng tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó, làm cản trở và tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến thiếu máu và hoại tử tinh hoàn.
(Ảnh minh họa).
Vậy tại sao thời tiết lạnh lại dễ bị xoắn tinh hoàn? Theo các bác sĩ, nguy cơ đau và xoắn tinh hoàn tăng cao khi nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm thấp. Lý giải cho kết quả này, các nhà khoa học cho rằng trong điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô sẽ làm tăng hoạt động co thắt của cơ bìu (Cremasteric), dẫn tới tăng nguy cơ tinh hoàn chuyển động xoắn quanh trục.
Các dấu hiệu nhận biết xoắn tinh hoàn
- Đau bìu khởi phát đột ngột, dữ dội, đau có thể lan lên vùng bẹn, chậu, hông, bụng.
- Bìu sưng nề, da bìu đỏ thẫm hoặc bầm tím
- Tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện
- Tinh hoàn xoay trục, nằm ngang
- Nôn hoặc buồn nôn
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp nhanh chóng và kịp thời. Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau.
Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn, từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20%, trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn. Vì vậy, bệnh nhân khi có các dấu hiệu xoắn tinh hoàn, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.