Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, đây là dự án nhận được sự quan tâm của Chính phủ ưu tiên dành cho ngành Giáo dục ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nơi biên cương tổ quốc.
Dự án được thiết kế trên cơ sở nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), do Bộ GD&ĐT làm chủ đầu tư theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2014 và Quyết định số 405/QĐ-TTg ngày 19/3/2021 về việc điều chỉnh dự án.
Dự án được triển khai từ ngày 30/9/2015 đến ngày 30/9/2023. Đến nay, Dự án đã kết thúc rất thành công, tỷ lệ giải ngân đạt 98%, xếp hạng cao nhất trong các dự án mà Bộ GD&ĐT làm chủ đầu tư.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao thành công của dự án. Tuy gặp nhiều khó khăn, như do thời gian kéo dài (8 năm), địa bàn rộng trải dài 28 tỉnh thành phố, có nhiều trường ở miền núi cao, vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, nhiều chính sách TW và địa phương thay đổi, nhiều vấn đề phát sinh trên thực địa….
Nhưng với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp giáo dục vùng khó, Ban Quản lý dự án TW và các tỉnh đã làm tốt công tác quản lý dự án, như: cập nhật thông tin, chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, làm tốt các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng, tổ chức lựa chọn nhà thầu đúng pháp luật …
“Tuy dự án đã thành công, song để phát triển hiệu quả và bền vững, đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhà trường tăng cường quản lý, lên phương án bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng, khai thác sử dụng thường xuyên, đúng mục đích, đúng công năng tránh thất thoát lãng phí”, Thứ trưởng nói.
Đối với bản quyền tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS, Thứ trưởng đề nghị địa phương tập trung xã hội hóa khâu in và cung cấp miễn phí cho học sinh mượn và sử dụng.
Đối với thiết bị dạy học các Sở, Phòng GD&ĐT tổ chức cuộc thi sáng tạo khai thác sử dụng bộ đồ dùng khoa học tự nhiên cho giáo viên; tổ chức khai thác kết nối phòng học trực tuyến để tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ quản lý và giáo viên, trao đổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường và liên trường, nhất là kết nối cụm trường, trường điểm, trường chuyên, trường sư phạm bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cho vùng sâu, DTTS.
Các cá nhân được khen thưởng. |
Nhân dịp này, 9 tập thể và 29 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2.