Tuy nhiên, thực thế cho thấy, việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề liên quan đến việc xử lý, chuyển giao các cụm công nghiệp do đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước là chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý cụm công nghiệp.
Vì vậy, Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cần nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa, bổ sung để Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp sát hợp với thực tiễn vận động, phát triển; trong đó, phải tính toán yếu tố đặc thù ở vùng, miền, khu vực, từ đó đưa ra cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp phù hợp.
Các cụm công nghiệp cần đảm bảo yếu tố về diện tích, thống nhất mô hình quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm giải quyết triệt để tình trạng thành lập cụm công nghiệp nhưng thiếu các điều kiện, dịch vụ phục vụ sản xuất, gây khó khăn trong thu hút đầu tư, sản xuất dẫn đến lãng phí.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo cho hay, cần xem xét, quy định cụ thể về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất tại cụm công nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp thuê đất, xin giấy chứng nhận đầu tư xong chậm triển khai dự án. Đồng thời, phải quy định cụ thể thời hạn bị thu hồi đất và giấy phép đầu tư nếu không tổ chức sản xuất.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình Trần Huy Quân cho rằng, xây dựng, phát triển cụm công nghiệp nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hiện Thái Bình có 35/50 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu thút hơn 460 dự án sản xuất kinh doanh với tổng số vốn trên 30.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 55.000 lao động.
Tuy vậy, tại Thái Bình đang tồn tại 3 mô hình quản lý cụm công nghiệp đó là Cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư, quản lý; cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng và cụm công nghiệp có hai đơn vị cùng quản lý (UBND huyện quản lý diện tích cụm công nghiệp đi vào hoạt động từ trước năm 2017 và doanh nghiệp quản lý đầu tư hạ tầng phần diện tích mới mở rộng).
Những cụm công nghiệp do UBND huyện quản lý do ngân sách khó khăn, ảnh hướng lớn đến việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, không ít cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải gây khó khăn cho thu hút đầu tư và sản xuất.
Từ thực tế tại tỉnh Thái Bình, ông Trần Huy Quân kiến nghị, Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương cần có phương án, hướng dẫn các tỉnh, thành phố chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ UBND huyện sang doanh nghiệp, vì hiện nay chưa có cơ chế pháp lý, nhất là đối với những cụm công nghiệp do UBND huyện quản lý, diện tích hẹp, không thể mở rộng, được thành lập trước khi có Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.