Hoạt động tình nguyện của sinh viên: Từ giảng đường đến cuộc sống

Phạm Khánh (TH) | 13/01/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Mỹ, Anh hay Trung Quốc, hoạt động tình nguyện là một phần của chương trình giáo dục phổ thông và đại học.

Tình nguyện dạy học vùng xa

Tại Anh, theo thống kê của Liên đoàn Sinh viên quốc gia (NUS) vào năm 2014, có 1/3 sinh viên nước này dành thời gian rảnh để hoạt động tình nguyện. Thời gian làm tình nguyện trung bình là 44 giờ một năm. Trong đó, 78% sinh viên cho biết tham gia làm tình nguyện vì muốn hỗ trợ cộng đồng và cải thiện kỹ năng. Các em thường tham gia tổ chức hoạt động, sự kiện, gây quỹ hoặc giảng dạy.

Hàng năm, Anh tổ chức “Tuần lễ Sinh viên tình nguyện quốc gia” nhằm kỷ niệm và khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Tuần lễ mở đầu bằng hoạt động “Ngày việc tốt”, nơi sinh viên có thể kết nối với hơn 100 chương trình đang tìm tình nguyện viên trong và ngoài nước.

Ngoài việc khuyến khích sinh viên đăng ký vào các hoạt động tình nguyện địa phương, các trường đại học tự xây dựng nguồn kinh phí và tổ chức chương trình tình nguyện.

Đơn cử, Trường Đại học Brighton tổ chức chương trình hợp tác với các cơ sở y tế địa phương. Theo đó, nhà trường sẽ cử sinh viên đến hỗ trợ các cơ sở y tế như kiểm tra bệnh nhân, làm thông dịch viên y tế, xử lý nhiệm vụ hành chính... Từ đó, sinh viên có cơ hội thực hành vận dụng kiến thức được học trong nhà trường vào thực tế, trau dồi kỹ năng mềm...

Về phía nhà trường, các hoạt động tình nguyện giúp nâng cao vị thế trong địa phương, đồng thời, thu hút đông đảo sinh viên quốc tế. Sinh viên nước ngoài đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tình nguyện trong nhà trường vì họ muốn kết nối với văn hóa Anh. Các cơ sở giáo dục tổ chức tốt và mạnh hoạt động tình nguyện cũng sẽ là điểm cộng thu hút sinh viên nước ngoài, góp phần quốc tế hóa giáo dục.

Ngoài ra, hoạt động tình nguyện cải thiện và củng cố quan hệ giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, cơ quan địa phương, từ đó, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Hoạt động tình nguyện cũng được các trường đại học Trung Quốc quan tâm triển khai. Đơn cử, từ năm 1999, Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đã cử sinh viên tình nguyện đến giảng dạy tại các trường phổ thông ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn thiếu giáo viên. Thời hạn tình nguyện là một năm, thường bắt đầu từ tháng 6 hàng năm.

Đối với các trường tại thành thị, việc gửi sinh viên tình nguyện đến khu vực khó khăn là một hình thức giáo dục đổi mới. Sinh viên phải học cách thích nghi với môi trường địa phương, vượt qua những khó khăn không bao giờ gặp phải ở thành thị. Tri thức của các em còn góp phần cải thiện đời sống xã hội, nâng cao dân trí và nhận thức cho người dân vùng nông thôn.

Để khuyến khích sinh viên tham gia tình nguyện, các trường đại học cũng có nhiều chính sách ưu tiên, khen thưởng phù hợp. Với Trường ĐH Phúc Đán, sinh viên làm tình nguyện được tuyển thẳng vào chương trình cao học mà không cần tham gia thi tuyển. Điều đáng nói, kỳ thi cao học tại nước này hiện nay rất cạnh tranh và khắt khe.

Kết thúc thời gian tình nguyện tại một trường trung học ở phía Tây Trung Quốc, Hou Yujing, 23 tuổi, sinh viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Phúc Đán, bày tỏ: “Một số người nói rằng tôi đã lãng phí một năm ở thị trấn nghèo nhưng tôi không hối tiếc. Trải nghiệm này sẽ giúp ích cho tôi trong suốt quãng đời còn lại. Nếu có cơ hội thứ hai, tôi chắc chắn sẽ đăng ký”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoat-dong-tinh-nguyen-cua-sinh-vien-tu-giang-duong-den-cuoc-song-post622089.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoat-dong-tinh-nguyen-cua-sinh-vien-tu-giang-duong-den-cuoc-song-post622089.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động tình nguyện của sinh viên: Từ giảng đường đến cuộc sống