Còn cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, khi áp dụng sổ điểm điện tử giảm rõ rệt áp lực sổ sách cho giáo viên và nhà trường, dễ dàng theo dõi và quản lý hồ sơ nhẹ nhàng, khoa học hơn. Phụ huynh cũng có thể thuận tiện tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng, qua đó phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả hơn.
Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT - Bộ GDĐT) Nguyễn Sơn Hải, đây là giải pháp thúc đẩy ứng dụng CNTT và chuyển đổi trong công tác quản lý, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành giáo dục. Cụ thể là hạn chế sử dụng giấy tờ, thành phần hồ sơ trong các thủ tục hành chính. Khi thực hiện số hóa các hồ sơ này sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực. Chẳng hạn, giáo viên nhập điểm vào sổ điểm điện tử dù không biết đúng hay sai nhưng nhập vào xong sẽ khóa, không thể quay lại sửa được nữa. Từ đây sẽ hạn chế được những trường hợp như đến cuối học kỳ quay lại sửa điểm như đối với sổ điểm giấy. Học bạ điện tử hướng đến sự minh bạch, chính xác dù không thể tuyệt đối nhưng việc gian lận, làm đẹp học bạ sẽ hạn chế được khá nhiều.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ban đầu không tránh khỏi khó khăn. Thực tế, tại một số trường, điểm trường ở địa bàn vùng cao, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, kết nối internet kém đang là thách thức đối với giáo viên khi triển khai chuyển đổi số nói chung và học bạ điện tử, sổ điểm điện tử nói riêng.
Cần sớm giải quyết mặt hạn chế
Thừa nhận lợi ích mà học bạ điện tử mang lại song nhiều trường cho biết, khi học sinh chuyển trường vẫn phải thực hiện in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì công nhận học bạ điện tử. Tương tự, học bạ điện tử cũng chưa được các trường đại học chấp nhận trong tuyển sinh đại học.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng đây là vấn đề đang được nghiên cứu để tiến tới áp dụng đồng bộ, chặt chẽ trong các cơ sở giáo dục cũng như mở rộng phạm vi sử dụng trong các cơ quan, tổ chức khác. Theo đó, kiểm soát đúng sai, sửa chữa học bạ… là vấn đề cần có các giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Chữ ký số cũng là một vấn đề khiến nhiều nhà trường và giáo viên đau đầu khi chi phí để duy trì khoản này hàng năm không nhỏ. Trong đó, có địa phương chủ động cấp kinh phí cho các trường, nhưng cũng có địa phương chưa thực hiện, giáo viên phải tự chi trả dẫn tới khó khăn khi áp dụng. Được biết, hiện có nhiều nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số, cả công ty và cơ quan nhà nước. Tin vui với ngành giáo dục đó là Ban Cơ yếu Chính phủ thông báo sẵn sàng cấp miễn phí chữ ký số cho giáo viên sử dụng.
Mặc dù cũng gặp khó khăn khi chuyển sang học bạ điện tử như một số giáo viên tiếp cận công nghệ chậm, nhưng theo ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình (Hà Nội), sau khi tập huấn triển khai, giáo viên nhận được những lợi ích thiết thực từ các công cụ này mang lại sự hào hứng và tích cực khi sử dụng. Các phần mềm hiện đang được các trường trong quận Ba Đình triển khai đã được chọn lọc và mang tính đồng bộ, liên thông và theo đúng các quy định của pháp luật nên không tạo thêm áp lực mà ngược lại, giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên về hồ sơ, sổ sách.
Học bạ điện tử tuy vẫn còn những mặt hạn chế nhưng không thể thừa nhận những lợi ích nó mang lại cho tương lai. Vì vậy, Bộ GDĐT cần đẩy nhanh nghiên cứu để hoàn thiện và thống nhất, đồng bộ hệ thống để áp dụng trong các cơ sở giáo dục trên cả nước, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành giáo dục.
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã tổ chức thông tin chuyên đề về công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục. Theo đó, những vấn đề được đặt ra bao gồm: Nghiên cứu, thí điểm xây dựng học bạ điện tử (để giải quyết những bất cập của học bạ giấy hiện nay, trong đó có vấn nạn gian lận điểm trong học bạ); Hiệu quả chuyển đổi số trong thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học, thanh toán lệ phí tuyển sinh, xác nhận nhập học trực tuyến…