Học bạ điện tử: Liên thông cơ sở dữ liệu, ngăn 'làm đẹp' điểm số

05/11/2023, 12:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những năm gần đây, nhiều trường nhập điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ của học sinh lên phần mềm học bạ điện tử.

Điều này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tình trạng “làm đẹp” học bạ, là tiền đề để liên thông, kết nối và sẻ chia dữ liệu cơ sở ngành.

Tường minh thông tin

Thầy Đoàn Trường - giáo viên Trường THPT Sóc Sơn (TP Hà Nội) cho hay, nhà trường đã triển khai sổ điểm điện tử nhiều năm nay trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành. Tính năng của nó là quản lý toàn bộ dữ liệu về học sinh như sổ điểm, hồ sơ; quản lý kỳ thi nội bộ. Phụ huynh cũng có thể cập nhật điểm của con thường xuyên để phối hợp tốt hơn với giáo viên, nhà trường trong việc đôn đốc học tập.

“Giáo viên không dễ dàng thay điểm khi cần bởi qua “rào chắn” là ban giám hiệu. Từ đó hạn chế tình trạng gian lận so với sử dụng học bạ giấy. Kết quả học tập của học sinh được công khai, minh bạch, rõ ràng”, thầy Đoàn Trường nói.

Là đơn vị sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử nhiều năm, cô Thái Hà Phương - giáo viên Trường THPT Hoài Đức B (TP Hà Nội) nhận thấy điểm ưu việt. Sổ điểm, học bạ điện tử góp phần hạn chế những tiêu cực về điểm số. Giả sử, giáo viên muốn thay đổi điểm kiểm tra của học sinh sau khi nhập điểm lên hệ thống bắt buộc phải xin ý kiến hiệu trưởng.

Do đó, nếu vì 1 lý do nào đó phụ huynh muốn tác động đến giáo viên để nâng điểm cho con thì không đơn giản như khi sử dụng học bạ giấy. Đa số phụ huynh và học sinh ủng hộ phương án này vì đảm bảo tính công bằng trong học tập và tường minh về kết quả kiểm tra, đánh giá.

Dù lợi ích của sổ điểm, học bạ điện tử có thể nhìn thấy rõ song trong bối cảnh thực hiện thiếu đồng bộ giữa các trường cũng bộc lộ những bất cập và chưa thể thay thế hoàn toàn học bạ giấy.

Chị Phí Thị Dung – phụ huynh có con học lớp 11 tại Hà Nội chia sẻ, vì điều kiện công việc phải chuyển trường cho con về ngoại thành. Tuy nhiên, trường chuyển đến vẫn yêu cầu phải có học bạ giấy với đầy đủ chữ ký tươi của giáo viên bộ môn, dấu xác nhận của hiệu trưởng trường cũ mới nhận hồ sơ. Vì vậy, chị Dung mất vài ngày mới hoàn thiện thủ tục chuyển trường.

Tương tự, Nguyễn Thế Quân – sinh viên Trường ĐH Đại Nam (TP Hà Nội) cho biết, vì đỗ theo phương thức xét tuyển kết quả học tập cấp THPT nhưng khi làm thủ tục nhập học, em vẫn phải về trường cũ xin học bạ giấy gốc để nộp cho trường. Nam sinh mong muốn, các cơ quan quản lý cân nhắc tới phương án liên thông giữa học bạ điện tử của trường phổ thông với trường đại học, cao đẳng để giảm bớt khâu đi lại cho học sinh khi xét tuyển vào đại học.

PGS.TS Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp.
PGS.TS Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp.

Cơ sở để xét tuyển đại học

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp (TP Hà Nội) cho rằng, quản lý học sinh THPT thông qua học bạ điện tử là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia nói chung, giáo dục nói riêng. Bởi phương thức này giải quyết được tất cả tồn tại của việc quản lý điểm người học theo phương pháp truyền thống. Học bạ điện tử là sự liên thông, kết nối trong quản lý, chia sẻ và tra cứu dữ liệu.

Với nhà trường sẽ góp phần làm tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong công tác báo cáo, kiểm tra, giám sát, lưu trữ và tiết kiệm thời gian, chi phí... Với giáo viên, người học, phụ huynh học sinh là sự thuận tiện trong sử dụng để cập nhật, tra cứu và khai thác thông tin.

Vị Hiệu phó nhấn mạnh thêm, học bạ điện tử có nhiều điểm ưu việt và cần triển khai sớm trong toàn ngành, nhưng kỳ vọng học bạ điện tử góp phần giải quyết tiêu cực “làm đẹp học bạ” thì chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi nếu cá nhân, tập thể nào đó có ý đồ tiêu cực, họ sẽ tác động ngay từ khâu chấm điểm trước khi điểm được cập nhật và quản lý bằng học bạ điện tử.

“Việc sử dụng điểm học tập cấp THPT để xét tuyển vào đại học, tôi cho rằng đây là chủ trương đúng và mở của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, Bộ cho phép các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong công tác tuyển sinh nên việc lựa chọn phương thức xét tuyển nào trong số các phương thức xét tuyển thẳng, đánh giá năng lực, điểm thi THPT, điểm học tập cấp THPT… do cơ sở đào tạo lựa chọn với mục tiêu để chọn được thí sinh chất lượng nhất”, PGS.TS Phạm Minh Toại nói.

Cùng quan điểm, TS.KTS Hồ Quốc Khánh – Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội chia sẻ, nhà trường áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh để lựa chọn thí sinh đầu vào tốt. Năm 2023, phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ) được áp dụng thêm với một số ngành/ chuyên ngành đào tạo kèm theo yêu cầu về ngưỡng đảm bảo chất lượng.

Theo đó, tổng điểm trung bình cộng năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12 các môn trong tổ hợp xét tuyển phải ≥ 18,0 điểm; không có điểm trung bình cộng môn nào dưới 5,5 điểm. Khi các em đỗ vào trường, nhà trường tiến hành khảo sát đánh giá môn sẽ học ở khối kiến thức nền tảng (Giáo dục đại cương) như Toán, Vật lý... để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

“Chúng tôi mong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đồng bộ hóa dữ liệu, khắc phục bất cập về công nghệ để tiến tới ban hành hướng dẫn quy trình, cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, tối giản các thủ tục hành chính, nhất là khi xét tuyển vào đại học. Có hệ thống dữ liệu chung trong cả nước, các hướng dẫn sẽ thống nhất và tạo sự yên tâm cho từng địa phương, nhà trường khi sử dụng học bạ điện tử”, cô Thái Hà Phương - Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học bạ điện tử: Liên thông cơ sở dữ liệu, ngăn 'làm đẹp' điểm số