Có những ngành ở một số cơ sở đào tạo tại TP.HCM học phí đại học lên đến hàng trăm triệu đồng/năm học.
Theo công bố trong kế hoạch tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024 cũng như thông báo đến tân sinh viên làm thủ tục nhập học, học phí năm học 2024-2025 ở nhiều trường tiếp tục tăng. Nhiều ngành ở mức 60 đến hơn 80 triệu đồng/năm học, thậm chí có ngành hàng trăm triệu đồng.
Chất lượng cao lên đến hơn 180 triệu đồng/năm học
Mức học phí đại học Trường Đại học Công thương TP.HCM áp dụng đối với hơn 8.000 sinh viên trúng tuyển khóa tuyển sinh năm 2024 dao động từ gần 7 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/học kỳ.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường, cho biết so với năm trước, mức học phí năm nay tăng 2-6%. Nếu tính cả khóa học, mỗi sinh viên sẽ đóng khoảng 112 đến hơn 144 triệu đồng/khóa, tùy ngành học.
Cũng trong quyết định mới đây của Trường ĐH Y dược TP.HCM, học phí năm học tới sẽ điều chỉnh tăng khoảng 10% so với năm trước.
Cụ thể, đối với sinh viên tuyển sinh khóa năm 2019 trở về trước, mức thu học phí từ 20 đến 27,6 triệu đồng/năm học.
Với sinh viên khóa tuyển sinh năm 2020 trở về sau, mức học phí dao động từ 46 đến 84,7 triệu đồng/năm học. Trong đó, Răng hàm mặt là ngành có mức học phí cao nhất với 84,7 triệu đồng/năm học, kế đến là Y khoa 82,2 triệu đồng.
Còn tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, học phí dự kiến cho sinh viên khối ngành kinh tế là 32,85 triệu đồng/năm học; khối ngành công nghệ kỹ thuật là 33,5 triệu đồng/năm học; học phí ngành Dược cao nhất với 53,58 triệu đồng/năm.
Đáng chú ý nhất là học phí Trường ĐH Luật TP.HCM khi dự kiến tăng không quá 12,8% cho năm học 2024-2025.
Cụ thể, mức học phí thấp nhất ở hệ chính quy văn bằng 1 là 35,25 triệu đồng/năm áp dụng cho đào tạo chính quy ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh. Mức cao nhất là 181 triệu đồng/năm học áp dụng cho chương trình chất lượng cao giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.
Học phí đại học các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng tăng nhẹ so với năm trước.
Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến học phí cho khóa tuyển sinh năm 2024 ở chương trình tiếng Việt là 13,75 triệu đồng/học kỳ, sau mỗi năm tăng thêm 2 triệu đồng/học kỳ. Còn chương trình tiếng Anh, học phí dự kiến là 28,8 triệu đồng/học kỳ, sau mỗi năm dự kiến tăng từ 3,7 đến 4,75 triệu đồng/học kỳ..
Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến học phí chương trình tiên tiến (Khoa học máy tính) có mức cao nhất, lên đến 59,6 triệu đồng/năm. Các ngành ở chương trình tăng cường tiếng Anh học phí từ 40,6 đến 51,8 triệu đồng/năm học. Còn chương trình đại trà từ 24,7 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng dự kiến học phí đại học chính quy hơn 10,5 triệu đồng/ học kỳ. Đây là năm thứ 2 trường thực hiện mức thu học phí mới theo cơ chế tự chủ tài chính. Học phí chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo đặc biệt là hơn 20,2 triệu đồng/học kỳ.
Phụ huynh, thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công thương TP.HCM. Ảnh: ST
Học phí “mềm” ở những ngành khó tuyển, trường chưa tự chủ
Mặc dù mặt bằng chung ở các trường ĐH công lập tại TP.HCM đều sẽ tăng học phí trong năm học tới, song những trường ĐH chưa thực hiện cơ chế tự chủ học phí ở mức thấp hơn hẳn.
Theo công bố của Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, năm học 2024-2025, học phí các ngành quản trị kinh doanh và Bất động sản dự kiến từ 14,1 triệu đồng/năm học. Các ngành còn lại từ 15,2 đến 16,4 triệu đồng/năm học.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dự kiến mức học phí chung khoảng 15 triệu đồng/năm học.
Còn tại Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, mức học phí đại học hiện nay đang thu từ hơn 11,8 triệu đồng đến hơn 35,6 triệu đồng/năm học. Trong đó, các ngành có học phí thấp thuộc nhóm chương trình đại trà. Học phí chương trình tiên tiến sẽ từ 34-40 triệu đồng/năm học, tùy khóa tuyển sinh và nhóm ngành.
Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM, học phí hiện nay đang thu là 12 triệu đồng/năm học với sinh viên ĐH chính quy ở tất cả ngành học.
Cũng thuộc nhóm trường chưa tự chủ, Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM có học phí các chương trình đại trà hiện ở mức hơn 13 triệu đồng đến hơn 18 triệu đồng/năm học.
Cạnh đó, ở một số trường đã tự chủ về tài chính cũng có những chính sách đặc biệt về học phí nhằm hỗ trợ người học theo học những ngành khó tuyển.
Chẳng hạn Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) được ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng kinh phí trong các nguồn điều tiết của mình để hỗ trợ sinh viên các ngành khoa học cơ bản với mức thu học phí mềm hơn. Cụ thể là các ngành Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý học, Thông tin - thư viện, Lưu trữ học, Nhân học, học phí dự kiến khoảng hơn 7,1 triệu đồng/học kỳ (tương đương 473.000 đồng/tín chỉ).
Ngành Ngôn ngữ Italia, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ dự kiến khoảng hơn 8,5 triệu đồng/học kỳ (tương đương 561.000 đồng/tín chỉ) năm học 2024-2025.
Theo lý giải của đại diện lãnh đạo trường, trường đã chuyển sang cơ chế tự chủ từ 3 năm nay, không còn phụ thuộc ngân sách nhà nước nên học phí khá cao, cao nhất lên đến khoảng 60 triệu đồng/năm học.
Tuy nhiên, trường có nhiều ngành khoa học cơ bản là những ngành rất cần thiết nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh nếu duy trì mức thu học phí theo cơ chế tự chủ như các ngành học khác.
Tương tự, 8 ngành học của Trường ĐH Công thương TP.HCM được giảm 50% học phí (ở học kỳ đầu tiên) năm học 2024-2025 này, cụ thể như công nghệ chế biến thủy sản, kỹ thuật nhiệt, quản lý tài nguyên và môi trường, kinh doanh thời trang và dệt may….
Chính sách của trường trước mắt sẽ áp dụng trong 5 năm nhằm hỗ trợ sinh viên theo học những ngành có nhu cầu nhân lực cao nhưng kén người học.
Mức thu học phí của các cơ sở đào tạo hiện nay đang áp dụng theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ. Theo Nghị định này, năm học 2024-2025 mức trần học phí (mức tối đa được thu) của 7 nhóm ngành ở những trường chưa đảm bảo chi thường xuyên sẽ dao động từ 1,35 triệu đồng/tháng đến 2,76 triệu đồng/tháng. Trong đó, cao nhất là nhóm ngành y dược với 2,76 triệu đồng/tháng, kế đến là các nhóm ngành sức khỏe với 2,09 triệu đồng/tháng. Mức thu thấp nhất là nhóm ngành nghệ thuật, tiếp đến là khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Mức trần từng nhóm ngành như sau: Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí. |