Học sinh 12 chủ động củng cố kiến thức giai đoạn nước rút

Ngô Chuyên - Hồng Hải | 04/05/2023, 16:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chưa đầy hai tháng nữa kì thi tốt nghiệp THPT 2023 chính thức diễn ra, học sinh lớp 12 ôn tập nước rút để sẵn sàng vượt “vũ môn”.

Cố gắng cân bằng tâm lý

Mặc dù đã lên dây cót từ đầu năm học, thế nhưng nữ sinh Bùi Thị Hải Nguyệt, lớp 12D Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) vẫn cảm thấy áp lực cho trong giai đoạn ôn thi nước rút,

Hải Nguyệt chia sẻ: “Em hoàn thành chương trình học cách đây hơn một tháng và luyện đề đến nay cũng gần 2 tháng, thế nhưng vẫn chịu khá nhiều áp lực cho giai đoạn nước rút này”.

Được biết, Hải Nguyệt dùng tổ hợp D01 để xét đại học và dự định đăng kí ngành Quan hệ Quốc tế của Học viện Ngoại giao. “Hàng ngày, em đều cố gắng làm 1 đề môn Văn và tiếng Anh để rèn luyện kỹ năng làm bài. Riêng môn Toán, em dành nhiều thời gian ôn luyện lại kiến thức cơ bản” Hải Nguyệt chia sẻ.

Trước đó, để xây dựng kế hoạch học tập cho năm cuối cấp, Hải Nguyệt đã chia ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: nắm chắc kiến thức cơ bản; Giai đoạn 2: ôn tập theo chuyên đề; Giai đoạn 3: luyện đề chi tiết. Ngoài ra, em cũng tham khảo thêm một số phương pháp học tập trên mạng và từ các anh chị khóa trước.

Học sinh 12 chủ động củng cố kiến thức giai đoạn nước rút ảnh 1
Em Bùi Thị Hải Nguyệt, lớp 12D Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội).

Dùng tổ hợp C00 để xét tuyển đại học, em Bùi Khánh Linh lớp 12D, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, em dự định thi vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

“Trong các môn học, em tự tin nhất môn tiếng Anh bởi có kiến thức nền tảng từ năm cấp 2. Em vừa có kết quả thi IELTS, em dùng kết quả này để xét tuyển đại học, đây là thuận lợi đáng kể giúp em giảm bớt áp lực ôn thi” Khánh Linh nói.

Khánh Linh chủ động ôn tập các môn học ngay từ đầu năm, học đến phần nào em làm bài tập phân dạng của phần đó để học đến đâu chắc kiến thức đến đấy.

“ Sau thời gian học tập trên lớp, em hệ thống lý thuyết ra giấy và làm một số dạng bài tập liên quan. Đồng thời, kết hợp kiểm tra kiến thức qua phần mềm học tập Quiz” Khánh Linh chia sẻ.

Còn Nguyễn Hương Giang lớp 12D, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, em định thi khối D07 hoặc A00.

“Em xây dựng kế hoạch riêng cho từng môn. Với môn Toán, em ghi nhớ kiến thức bằng phương pháp sơ đồ tư duy và làm bài tập. Trong giai đoạn nước rút, em chủ yếu luyện đề và chữa đề. Môn hóa, chủ yếu ôn luyện kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Môn Lý là môn em lo lắng nhất, em hệ thống lại các dạng bài tập thuộc mức độ vận dụng và cố gắng học chắc lý thuyết trong sách giáo khoa để tránh sai lý thuyết khi làm đề” Hương Giang chia sẻ.

Hương Giang cho biết thêm, trước mỗi kì thi, em đều khá hồi hộp và lo lắng. Tuy nhiên, Giang không để tâm trạng lo lắng chuyển hóa thành nỗi sợ hãi, ảnh hưởng đến quá trình học tập. Bởi vậy, trước mỗi kì thi, em đều phân bổ thời gian ôn tập các môn chính và đề ra mục tiêu điểm số rõ ràng để bản thân cố gắng.

Xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp

Trước mùa thi, em Lê Phương Thảo, lớp 12D5, Trường THPT Hưng Yên (Hưng Yên) cho biết, em lập bảng thời gian biểu học tập và nghỉ ngơi phù hợp để không bị ảnh hưởng tới kết quả học tập.

Theo đó, nữ sinh này đã xây dựng bảng kế hoạch ôn tập các môn ngay khi học kì 1 kết thúc. Buổi sáng em học lý thuyết của các môn, buổi chiều và tối làm bài tập để củng cố kiến thức.

"Trong quá trình ôn, em dành thời gian nhiều nhất cho 3 môn: Toán, Văn, Anh. Đặc biệt, môn Toán dành 3 tiếng mỗi ngày để học và làm bài bởi đây là môn em thiếu tự tin nhất” Phương Thảo chia sẻ.

Học sinh 12 chủ động củng cố kiến thức giai đoạn nước rút ảnh 2

Một tiết học ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (TP. Hà Nội).

Ngoài ra, Phương Thảo thường xuyên đọc sách, tìm hiểu thêm kiến thức liên quan về các môn học trên mạng xã hội, từ đó mở rộng hiểu biết, không bỡ ngỡ trước những dạng bài mới, lạ.

Em Nguyễn Hà Giang, lớp 12D3, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, em có chút lo lắng về kì thi sắp tới nhưng sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành mục tiêu bản thân đặt ra.

“Hồi hộp và lo lắng là những cảm giác chắc chắn không thể tránh khỏi trước mỗi mùa thi. Tuy nhiên, em luôn gắng giữ vững tâm thế thoải mái và bình tĩnh, tự tin nhất. Đồng thời, em chuẩn bị tâm lý cũng như những kỹ năng cần thiết để chủ động với tình huống bất ngờ trong phòng thi” Hà Giang tâm sự.

Vừa qua, em có làm đề thi thử do Sở GD&ĐT, em khá hài lòng với bài mình làm. Qua lần thi thử, em nhận ra được những điểm yếu, điểm mạnh trong kỹ năng làm bài từ đó biết cách sắp xếp, cân đối lại thời gian biểu để học và ôn luyện hiệu quả.

Hà Giang chia sẻ, không thức quá khuya để học bài bởi dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi ngày, em thường dành 30 phút để tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, giải tỏa căng thẳng sau giờ học.

Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2023, diễn ra vào 4 ngày: 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6 là ngày làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29/6 tổ chức coi thi; ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Trước kì thi, các thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng làm, củng cố kiến thức bằng cách luyện đề. Bên cạnh đó, giữ gìn sức khoẻ, ăn uống đủ các dưỡng chất để có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh 12 chủ động củng cố kiến thức giai đoạn nước rút