Học sinh căng thẳng gia tăng, do đâu?

01/11/2023, 11:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đa số thời gian trong ngày trẻ phải dành cho việc học chính, học thêm, không có thời gian vui chơi, giải trí. Cha mẹ ép con học thêm nhằm thi vào trường chuyên, lớp chọn; một số thầy cô mở lớp học thêm để tăng nguồn thu…

Nhiều phụ huynh nói rằng, con chỉ học dạng khá trong lớp, khó thi đỗ vào trường tốp đầu nhưng “nếu không cho con đi học, nhiều nhà cho đi cũng sốt ruột” nên cứ thử sức. Chưa kể, một số giáo viên từ bậc tiểu học, đến THCS - THPT ngoài dạy ở trường đã mở lớp dạy thêm tại nhà và lôi kéo học sinh trên lớp học thêm nhằm tăng nguồn thu.

Khoảng trống khó lấp đầy

Cách đây ít ngày phát lộ sự việc một học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị nhóm học sinh trong trường đánh nhiều lần. Một đoạn video phát tán trên mạng cho thấy, nhóm học sinh dồn nạn nhân vào góc tường thay nhau đấm, đá và thúc vào bụng. Hiện nay, nam sinh này luôn trong tình trạng thường xuyên la hét, không nhận ra người thân, đang được điều trị rối loạn tâm thần ở bệnh viện. Khi đó, UBND huyện Thạch Thất mới yêu cầu kiểm điểm Ban giám hiệu nhà trường để sự việc kéo dài, không giải quyết dứt điểm.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), nói rằng, giáo dục học sinh cần đến “kiềng 3 chân” gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, một số cha mẹ quá chiều chuộng con cái và có những người chưa chú trọng giáo dục đạo đức học sinh. Mạng xã hội tràn lan thông tin xấu, độc, trò chơi điện tử nội dung bạo lực cũng tác động lớn đến nhận thức của nhiều em. Nhà trường là một trụ kiềng quan trọng trong giáo dục học sinh nhưng nhiều trường đang lấy nhiệm vụ dạy và học làm cơ bản, không tạo các sân chơi bổ ích để các em có nơi sinh hoạt.

Theo ông Trung, ở Trường THPT Lê Lợi, trung bình mỗi năm có khoảng 30 lượt học sinh cần đến gặp chuyên gia tham vấn tâm lý nhưng con số đó chưa phản ánh hết tình trạng bất ổn tâm lý của các em. Ở mỗi lớp học, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng - đó là sát sao để nhận biết sớm các hành vi của học sinh. Khi phát hiện sớm, giáo viên chủ động tìm hiểu, trao đổi để có giải pháp ngăn chặn, tháo gỡ vấn đề bức xúc.

Nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu kỷ luật học sinh theo hướng tích cực đem lại giá trị nhân văn rất lớn, nhưng khi xử lý học sinh lặp đi lặp lại các hành vi bạo lực, trường học cũng lúng túng. Học sinh “nhờn thuốc”, không sợ thầy cô trong khi không phải em nào cũng có thể nói nhẹ đã nghe lời. “Giải pháp thuyết phục, cảm hoá không phải một sớm một chiều có ngay kết quả. Bên cạnh nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn, Hội, Đội tạo nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh, phải lấy tổ tham vấn tâm lý trường học làm trụ cột nhưng hiện nay nhà trường chưa được giao biên chế vị trí này. Trường nào chủ động sẽ ký hợp đồng với chuyên gia, trường chưa có điều kiện thì không thực hiện”, ông Trung nói.

PGS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận, trước áp lực đổi mới, công việc giáo viên nhiều hơn, chính họ cũng gặp nhiều vấn đề cần được hỗ trợ tâm lý. Nhiều việc, lớp học đông, giáo viên sẽ khó có sự quan tâm đến từng học sinh. Thậm chí giáo viên chủ nhiệm kiêm giữ vai trò tham vấn tâm lý học đường của Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) mới đây cũng chính là người có lời lẽ xúc phạm, túm cổ áo học sinh lôi đi vì em này mua nhầm bánh sinh nhật. Vụ việc này cho thấy đội ngũ này cũng chưa có đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng để xử lý vấn đề đúng quy trình.

Khẳng định công tác tư vấn tâm lý cho học sinh ở nhiều địa phương chưa được chú trọng, Bộ GD&ĐT từng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sắp xếp vị trí nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý tường học theo quy định, đồng thời yêu cầu cầu các trường tăng cường tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/hoc-sinh-cang-thang-gia-tang-do-dau-c216a1514934.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/hoc-sinh-cang-thang-gia-tang-do-dau-c216a1514934.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh căng thẳng gia tăng, do đâu?