Học sinh chật vật đến trường vì… mất cầu

Dung Nguyễn | 20/10/2022, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hai cây cầu treo dân sinh của xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà, Kon Tum) bị bão lũ cuốn trôi, HS muốn đến trường phải đi đường vòng xa hơn vài km...

Học sinh mang cơm, ở nhà người thân để đến trường

Ảnh hưởng của bão Noru vào cuối tháng 9 vừa qua, khiến địa bàn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) xảy ra mưa lớn kéo dài. Lượng nước từ đầu nguồn đổ về nhanh khiến sông Đăk Pxi dâng lên cao cuốn trôi 2 cầu treo dân sinh thuộc thôn Đăk Kơ Đương và Krong Đuân (xã Đăk Pxi). Từ ngày 2 cây cầu treo bị cuốn trôi, hàng trăm học sinh phải đi đường vòng đến trường để học tập.

Nhiều ngày qua, em Phạm Văn Hậu, học sinh Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) được mẹ chở đi – đón về mỗi ngày vì cầu treo thôn 13 - Đăk Kơ Đương bị cuốn trôi. Thương mẹ vất vả, sáng đến lớp Hậu mang theo một túi cơm để ăn vào buổi trưa rồi chiều tiếp tục học. Sẩm tối, sau khi kết thúc công việc trên rẫy, mẹ Hậu lấm lem bùn đất đón con về nhà.

“Em cũng muốn tự đến trường học nhưng cầu trôi, nhà xa lại chẳng có xe đạp. Em mong cây cầu nhanh chóng được sửa chữa để có thể đi bộ đến trường”, em Hậu bộc bạch.

Ngày thường, Y Phượng (học sinh lớp 5, thôn Đăk Kơ Đương) một mình trên chiếc xe đạp cũ rong ruổi đến trường với đoạn đường khoảng 3km. Thế nhưng, nhiều ngày nay, đoạn đường đến trường của cô học trò ghập ghềnh hơn khi cầu treo Đăk Kơ Đương bị bão lũ đánh sập.

Để đến được trường học tập, Y Phượng phải đi đường vòng xa hơn 2km. Bận rộn công việc đồng áng, nương rẫy nên cha mẹ Phượng chẳng có thời gian chở con đến lớp. Đường xa, sợ con đi nguy hiểm nên cha mẹ Phượng gửi em ở nhà ông bà ngoại để thuận tiện việc học tập. Đến cuối tuần, mẹ Phượng lại ra đón em về.

“Trước kia, cứ 6 giờ sáng em đạp xe đi học rồi chiều chạy về nhà. Mấy nay cầu trôi em không đi được, đường mới lại xa nên em ở nhà ông bà ngoại. Cả tuần mới được về nhà nên em cũng nhớ cha mẹ lắm”, Y Phượng bộc bạch.

Học sinh chật vật đến trường vì… mất cầu ảnh 1

Cây cầu treo Đăk Kơ Đương bị bão đánh sập, hư hỏng hoàn toàn.

Chờ mong cây cầu

Lớp 5B, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện của cô Hoàng Thị Thu Long có 3 học sinh ở bên kia sông phải chật vật đến trường khi cầu bị cuốn trôi.

Theo cô Long, một số học sinh nhà gần, có điều kiện thì được cha mẹ chở đến trường hàng ngày. Những em khác đạp xe tới lớp nên có hôm tới trễ, còn lại thì được gửi ở nhà ông bà hoặc người thân bên này sông.

“Nhiều em nhà xa, gia đình không có điều kiện để đón đưa nên có lẽ khi cầu sửa chữa hoặc xây xong mới được về nhà. Ngoài những em bị ảnh hưởng do cầu trôi, học sinh của trường chủ yếu nhà xa, hoàn cảnh khó khăn nên phải mang cơm theo và ở lại vào buổi trưa”, cô Thu Long tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, cho biết, toàn trường có 76 học sinh bị ảnh hưởng, khó khăn trong quá trình tới lớp do cầu treo bị cuốn trôi.

Trước đó, để đến được lớp học các em chỉ cần vượt quãng đường khoảng 2km. Thế nhưng hiện nay, chặng đường lại xa hơn 5km, gây khó khăn cho học sinh cũng như phụ huynh. Nhằm duy trì sĩ số và bảo đảm chất lượng dạy học nhà trường đã tạo điều kiện để 18 học sinh ra trường chính học tập.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng gửi con ở nhà ông bà, người quen bên này sông để thuận lợi và an toàn cho các em. Trước khó khăn đó, nhà trường cùng chính quyền địa phương đã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, khắc phục tạm thời cây cầu cho người dân và học sinh đi lại.

“Hiện tại đã có mạnh thường quân ở TP Kon Tum hỗ trợ kinh phí sửa chữa cầu treo thôn Krong Đuân, còn người dân góp công sức. Đây cũng là niềm vui cho nhà trường cũng như phụ huynh, học sinh để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho các em tới trường”, cô Tuyết Mai nói.

Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, cho hay, trong cơn bão Noru vừa qua thủy điện xả lũ, nước về nhiều khiến cầu treo dân sinh thuộc thôn Đăk Kơ Đương bị hư hại hoàn toàn. Còn cây cầu thôn Krong Đuân (xã Đăk Pxi) hư hỏng nặng nhưng có thể khắc phục được.

Theo ông Tuấn, cây cầu thôn Krong Đuân cần được khắc phục sớm để hàng chục học sinh sống tại thôn Đăk Pơ Trang thuận lợi đến trường. Bởi hiện nay, các em phải đi đường vòng rất xa trường học. Đồng thời, hơn 100 hộ dân cũng bị ảnh hưởng, khó khăn khi lên nương rẫy canh tác.

Tuy nhiên, phương án khắc phục chỉ là tạm thời, bởi mỗi năm mưa bão các cây cầu treo đều bị ảnh hưởng. Do đó, chính quyền địa phương, trường học và người dân đều mong muốn xây dựng cây cầu sắt kiên cố để mọi người yên tâm sinh sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh chật vật đến trường vì… mất cầu