Cần có giải pháp triển khai phù hợp
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Với sứ mạng luôn tiên phong đổi mới, quy chế đặc thù của ĐHQG Hà Nội là một tín hiệu đáng mừng, góp phần thay đổi tư duy về giáo dục. Việc cho phép học sinh THPT chuyên của ĐHQG Hà Nội (đủ điều kiện cứng) và trong tương lai cũng có thể mở rộng hơn cho các đối tượng không chỉ là học sinh chuyên - tham gia sớm vào các hoạt động học tập ở môi trường ĐH giải quyết các vấn đề: Giải phóng năng lượng tích cực, sự sáng tạo của học sinh; tiết kiệm được thời gian tham gia chương trình đào tạo; tiếp cận sớm với đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia và định hướng sớm về nghề nghiệp.
Trên thực tế, với năng lực, tiềm năng sẵn có của mình, những chương trình được thiết kế đặc thù, thúc đẩy việc phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt, phát hiện tài năng, nhân tài, học sinh trường chuyên hoàn toàn có thể tiếp cập với môi trường đại học. Các em được tiếp cận sớm với các nhà khoa học, hệ thống phòng thí nghiệm cấp cao, môi trường sáng tạo, cách học dựa trên nghiên cứu và những điều kiện thuận lợi kết nối với quốc tế…
Mặt khác, theo TS Tôn Quang Cường, quy chế đặc thù này cũng sẽ đặt ngược lại bài toán cho các nhà trường trong việc thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mô-đun hóa (theo tiếp cận chuẩn đầu ra), tổ chức các phương thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt hơn nữa dựa trên nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa đối tượng đầu vào. Đây cũng là xu hướng phát triển của các khóa học mở đại trà diện rộng (MOOCs) vốn được nhiều đại học ở các quốc gia áp dụng trong thời gian gần đây. Các công nghệ giáo dục mới hiện nay cũng cho phép hỗ trợ quá trình đào tạo, thực hiện các nhiệm vụ học tập hay nghiên cứu một cách linh hoạt nhằm gia tăng cơ hội học tập mở, giảm thiểu các rào cản về mặt không gian, thời gian, nguồn lực…
Bên cạnh đó, các nhà trường đại học cũng cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp triển khai phù hợp liên quan đến số lượng các tín chỉ học phần, mức độ tải trọng học tập, độ sâu về nội dung kiến thức, khả năng đáp ứng về nguồn lực đào tạo, hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ. Ví dụ, việc tiếp cận sớm với giáo dục đại học cho học sinh THPT sẽ chủ yếu thuận lợi đối với những lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản hay một số ngành mang tính ứng dụng phổ biến hiện nay (ngoại ngữ, tin học, kinh tế…), hoặc với một số học phần mang tính chất dẫn nhập, đại cương.
Việc bảo đảm logic, tính khoa học trong thực thi chương trình đào tạo cũng đặt ra bài toán về các học phần nền tảng, tiên quyết, hệ thống kỹ năng đặc thù, năng lực chuyên biệt… đòi hỏi các học sinh THPT cần cân nhắc, tính toán phù hợp với năng lực, sở thích, kế hoạch học tập cá nhân. Mặt khác, trong thời gian tới các trường chuyên THPT cũng có thể tái cấu trúc chương trình nhà trường theo tiếp cận mô-đun hóa, phân hóa và cá nhân hóa đối tượng để phát huy tiềm năng của học sinh, tạo sự kết nối liền mạch (theo logic của lĩnh vực khoa học, môn học)… đáp ứng linh hoạt các nhu cầu, năng lực đa dạng của học sinh chuyên.
“Mô hình này cần được triển khai thử nghiệm, tiếp tục nghiên cứu đầy đủ để có thể nhân rộng, tạo cơ hội tiếp cận học tập cho nhóm HS tài năng, đủ năng lực học tập và nghiên cứu đáp ứng đúng tinh thần phát triển xã hội học tập hiện nay” - TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.