Học sinh dân tộc phát huy tính tích cực, chủ động khi học chương trình mới

Hồ Phúc | 23/03/2023, 14:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 23/3, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội đã có buổi làm việc với Trường PTDT bán trú Tiểu học Vừ A Dính (Đắk Nông) về đổi mới chương trình, SGK.

Học sinh thích thú

Thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học Vừ A Dính (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết, trường đóng trên địa bàn xã vùng xa của huyện, thuộc vùng điều kiện kinh tế khó khăn. Học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 94,08%, đa số là người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Tổng số học sinh là 1.267 em, trong đó học sinh dân tộc thiểu số 1.192 em.

Thầy Tiệp cho biết, Chương trình GDPT 2018 chuyển từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, mà trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, động viên, trọng tài các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ. Từ đó học sinh tự lực chiếm lĩnh nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình, các em hào hứng trong học tập, mạnh dạn, tự tin thể hiện suy nghĩ, quan điểm cá nhân.

“100% giáo viên trong nhà trường đều có đủ năng lực để giảng dạy chương trình GDPT 2018, đáp ứng tốt nhu cầu của người học. Đa số phụ huynh học sinh ủng hộ nhà trường và đội ngũ giáo viên trong việc triển khai thực hiện chương trình mới”, thầy Tiệp khẳng định.

Học sinh dân tộc phát huy tính tích cực, chủ động khi học chương trình mới ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi giám sát.

SGK mới có cấu trúc và nội dung có tính mở, tạo cơ hội để nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương; thuận lợi cho giáo viên, học sinh tổ chức và thực hiện các hoạt động giáo dục. SGK mới khuyến khích học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

“SGK được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu, hình ảnh minh họa sinh động, đẹp, rõ, các chú thích được thiết kế bắt mắt, thu hút sự chú ý, phù hợp nội dung bài học, tạo hứng khởi cho học sinh tham gia học tập. Nguồn học liệu đầy đủ, phù hợp với xu thế của thời đại, góp phần phát triển năng lực, nhu cầu sở thích của người học. Các chuyên đề, chủ đề, bài học, các hoạt động được thiết kế khá khoa học, đa dạng, bảo đảm tính mạch lạc, dễ dạy hơn”, thầy Tiệp chia sẻ.

Cô Nông Thị Gio, giáo viên giảng dạy lớp 2 cho biết khá hứng thú trong thực hiện chương trình mới. Tại trường giáo viên trẻ nhiều, do đó tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin cũng như bài dạy liên quan đến chương trình hay từng khối, lớp.

“Tôi đã được tiếp cận chương trình mới từ năm học 2018-2019. Trước đây SGK theo chương trình 2006 chỉ có một bộ và là tài liệu duy nhất, đến 2018 có nhiều SGK. Do đó trong quá trình xây dựng, thiết kế bài giảng, giáo viên được trao quyền chủ động đối với học sinh lớp mình, đây là một điểm mới rất thuận lợi. Đặc biệt chương trình mới kênh hình và chữ rất đẹp, học sinh ở đây rất thích thú khi được học tập bộ sách mới Kết nối tri thức và cuộc sống do trường chọn”, cô Gio nhấn mạnh.

Học sinh dân tộc phát huy tính tích cực, chủ động khi học chương trình mới ảnh 2

Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Vừ A Dính báo cáo với đoàn giám sát.

Giáo viên được trao quyền chủ động

Cũng theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Vừ A Dính, với đặc thù là trường vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào DTTS, nên nhà trường luôn gặp những khó khăn trong công tác giáo dục nói chung và việc thực hiện chương trình GDPT 2018 nói riêng. Đa số học sinh gặp khó khăn trong việc đọc, viết môn tiếng việt 1.

“Tuy nhiên với sự linh hoạt, chủ động của chương trình GDPT 2018, nhà trường đã có những biện pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Trường chọn những giáo viên nhiều kinh nghiệm hoặc ở học kỳ I năm lớp 1 thì có thể chưa học các môn học khác để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, sau đó mới giảng dạy chương trình khi trẻ đã biết đọc thông-viết thạo. Như vậy có thể đạt mục tiêu kép trong giáo dục”, thầy Tiệp nói.

Cô Phạm Thị Quyên, giáo viên lớp 3, Trường PTDT bán trú Tiểu học Vừ A Dính cho biết, theo tinh thần của chương trình GDPT 2018, giáo viên được linh hoạt, được quyền chủ động trong phương pháp cũng như nội dung giảng dạy để phụ hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương, lớp cũng như học sinh. Để giúp cho học sinh thực hiện được tối ưu và tốt môn học, giáo viên luôn cố gắng tạo điều kiện để các em thực hiện theo phương pháp tích cực nhất.

Học sinh dân tộc phát huy tính tích cực, chủ động khi học chương trình mới ảnh 3

Giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Vừ A Dính chia sẻ về việc thực hiện giảng dạy chương trình mới.

“Chương trình mới trao quyền chủ động cho giáo viên nên thầy cô rất thuận lợi, có kế hoạch, chủ động đối với từng đối tượng học sinh. Quá trình dạy học được linh hoạt hơn, chủ động hơn. Chẳng hạn khi thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1, vì là học sinh dân tộc thiểu số nhiều nên giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện môn Tiếng Việt nhiều hơn đầu năm học so với các môn học khác, giúp các em đọc thông, viết thạo, sau đó mới lên kế hoạch cụ thể, đầy đủ đối với các môn học khác”, cô Quyên chia sẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thay mặt đoàn giám sát ghi nhận những kết quả, thành tích mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Theo bà Hoa, sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong cũng như sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT tỉnh thể hiện được sự đồng thuận, thông suốt của các cấp, đây là một trong những lợi thế để thực hiện chương trình mới thành công.

“Đoàn giám sát cảm nhận được trách nhiệm, sự tâm huyết tinh thần nhập cuộc, đổi mới một cách tích cực của các thầy cô giáo Trường PTDT bán trú Tiểu học Vừ A Dính. Đặc biệt, những ý kiến của thầy cô đã thể hiện rất rõ thực tế việc dạy chương trình mới tại trường. Các giáo viên đã biết khai thác những lợi thế ở một địa bàn khó khăn để hoàn thành phần việc của mình với những giải pháp rất cụ thể, cách làm rất thiết thực. Trong những năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018, dù ở địa bàn khó khăn, thầy cô đã rất nỗ lực để đạt được những kết quả bước đầu,…” bà Hoa nhấn mạnh.

Bài liên quan
Đoàn giám sát Quốc hội thị sát các 'điểm đen' giao thông Đồng Nai
Ngày 10/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP Biên Hòa về vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh dân tộc phát huy tính tích cực, chủ động khi học chương trình mới