Dưới góc nhìn pháp lý, TS, Luật sư Đặng Văn Cường – giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, các phương tiện tham gia giao thông hiện nay đa dạng. Tùy thuộc vào độ tuổi và điều kiện kinh tế - xã hội mà mỗi địa phương, khu vực phổ biến các hình thức phương tiện giao thông khác nhau, trong đó lứa tuổi học sinh thì xe đạp và xe đạp điện khá phổ biến. Tùy từng độ tuổi mà pháp luật cho phép học sinh được sử dụng phương tiện nào phù hợp.
Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Xe máy điện là xe gắn máy chạy bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không vượt quá 4 KW, vận tốc thiết kế tối đa không lớn hơn 50 km/giờ. Điều 60 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:
Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự...
“Học sinh tiểu học và THCS chưa đủ 16 tuổi nên theo quy định của pháp luật hiện hành, các em không được phép sử dụng xe gắn máy có công suất dưới 50 cm³.
Chỉ học sinh THPT đủ 16 tuổi mới được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định tại Điều 60 của Luật Giao thông đường bộ. Bởi vậy, các địa phương ra văn bản tuyên truyền pháp luật thì cần căn cứ vào quy định này để ban hành, viện dẫn, tuyên truyền để phụ huynh và học sinh nắm được, nghiêm túc thực hiện”, TS, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia, hiện không chỉ có xe mô tô, xe gắn máy mà trên thị trường còn có xe đạp điện, xe máy điện. Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 50 km/giờ, trừ các xe quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 2 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Những loại xe này, học sinh chưa đủ 16 tuổi không được sử dụng. Còn xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/giờ và khi tắt máy có thể đạp bằng bàn đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện). Do đó, học sinh có thể dùng.
“Một số địa phương khuyến cáo, quy định cấm học sinh dưới 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện là phù hợp quy định pháp luật. Việc đưa ra các quy định của cơ sở giáo dục phải phù hợp với văn bản pháp luật, đồng thời có sự giải thích hướng dẫn áp dụng để không gây tranh cãi. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra, quy chế được ban hành thì việc tuyên truyền rất cần thiết để người dân hiểu và tự giác chấp hành”, TS, Luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.