"Em cảm thấy bị quá phụ thuộc vào AI rồi và em muốn tìm cách để hạn chế bớt", một chia sẻ của học sinh nhận được nhiều sự quan tâm tại Ngày hội Hỗ trợ học sinh khởi nghiệp.
"Bội thực" AI: Lợi thế đi kèm "cái bẫy"
Vấn đề học sinh lạm dụng và phụ thuộc vào AI (trí tuệ nhân tạo) đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Ngày hội Hỗ trợ học sinh khởi nghiệp do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức mới đây.
Em Minh Nhật, học sinh Trường THCS - THPT Hồng Hà, chia sẻ rằng bản thân đang sử dụng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ học tập và lên ý tưởng. Tuy nhiên, càng ngày, nam sinh càng bị lún sâu vào AI, không tìm ra lối thoát.
"Em cảm thấy bị quá phụ thuộc vào AI rồi và em muốn tìm cách để hạn chế bớt", Minh Nhật chia sẻ.
Ông Nguyễn Trương Gia Kiệt, Trưởng bộ phận đào tạo khu vực phía Nam Samsung Việt Nam, nhận định rằng tình trạng của Minh Nhật không phải là cá biệt mà là vấn đề chung của nhiều người. Ông cho rằng học sinh hiện nay có quá nhiều công cụ và tài nguyên AI, dẫn đến việc dễ lạm dụng.
"Vấn đề học sinh đang gặp phải là "bội thực" AI. Thời buổi hiện nay, nhiều người bị phụ thuộc quá vào AI, đó là lợi thế nhưng cũng là bất lợi, cần sử dụng AI thông minh," ông Kiệt bày tỏ.
Chuyên gia Samsung nhấn mạnh rằng, để sử dụng AI hiệu quả, tư duy phản biện đóng vai trò then chốt. Theo ông, người dùng cần có cái nhìn khách quan để đánh giá kết quả do AI trả về, bởi "AI cũng sai, vì thế không nên quá tin tưởng vào công cụ này".
"AI chỉ là công cụ, không thể thay thế được tư duy, sự nỗ lực của các bạn. Bản thân chúng ta mới là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng hợp lý, AI sẽ là một người đồng hành, hỗ trợ cho chúng ta. Để không bị phụ thuộc vào AI, học sinh cần tập tư duy, phản biện, suy nghĩ nhiều hơn," chuyên gia nhấn mạnh.
Làm chủ AI, tạo lợi thế khác biệt
Ông Đạt Phạm, CEO The Bunka House, chuyên gia xây dựng hình ảnh bằng AI, chia sẻ rằng cảm nhận vào thế giới AI như một cuộc phiêu lưu, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm ưng ý.
Vị CEO khẳng định người dùng trí tuệ nhân tạo có nhiều lợi thế hơn người không sử dụng. Tuy nhiên, ông đặt ra câu hỏi: "Giữa một thế giới mà người người, nhà nhà cùng sử dụng AI thì làm sao để tạo sự khác biệt và lợi thế?".
Câu trả lời được ông Đạt Phạm đưa ra là nội lực. Theo ông, học sinh cần đầu tư vào kiến thức, ngôn ngữ, từ đó, AI sẽ giúp các bạn mạnh lên. Lời khuyên được chuyên gia này đưa ra là không đóng khung bất kỳ công thức nào, hãy tìm hiểu về thế mạnh của từng con AI và tự nghĩ ra cách tiếp cận của riêng mình.
Ông Gia Kiệt bổ sung: "AI sẽ không thay thế được con người nhưng những người biết sử dụng AI sẽ thay thế cho người không biết sử dụng AI".
Vậy, làm thế nào để học AI hiệu quả? Ông Kiệt khuyên rằng học sinh hãy tiếp thu AI một cách có chọn lọc và học cách áp dụng AI vào học tập. Ông cho rằng, qua quá trình sử dụng, mỗi người sẽ tự tìm ra hướng đi riêng cho mình.