Học sinh Nhật Bản đeo cặp nặng tới 10kg

Tú Anh | 06/05/2023, 07:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi năm học mới bắt đầu tại Nhật Bản, vấn đề 'cặp sách quá tải' tiếp tục được đem ra thảo luận.

Nhiều chuyên gia, phụ huynh lo ngại việc đeo cặp sách quá nặng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sức khoẻ của trẻ nhỏ.

Theo khảo sát của Footmark Corp., nhà sản xuất đồ dùng học tập cho học sinh, trọng lượng trung bình của một chiếc cặp sách đã tăng từ 3,97kg vào năm 2021 lên 4,28kg vào năm 2022. Một số phụ huynh Nhật Bản phản ánh cặp sách có thể nặng hơn 10kg.

Đơn cử, một học sinh lớp 5 giấu tên, sống tại Tokyo, đã sử dụng thiết bị kỹ thuật số trong học tập từ năm lớp 3. Vì thiết bị này không vừa với cặp sách đi học nên em thường cất nó trong một chiếc túi nhỏ. Vào những ngày đi học thêm, em còn đeo thêm một chiếc túi đựng sách vở phụ đạo.

Theo lời kể của mẹ nữ sinh, mỗi ngày em mang từ 6 đến 9kg đi học. Riêng những ngày học thêm, cô bé nặng 40kg phải đeo những chiếc túi lớn nhỏ nặng 10kg đến trường.

Khảo sát cũng chỉ ra vào năm 2022, 60% trẻ em “luôn luôn” hoặc “thường xuyên” cảm thấy cặp sách nặng, tăng 10% so với năm 2021. 27% học sinh cảm thấy đau ở vai, hông, lưng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.

“Nếu không có biện pháp cụ thể, cặp sách của học sinh sẽ ngày càng nặng hơn. Phụ huynh và giáo viên nên chú ý đến trọng lượng đồ đạc của học sinh và tạo cho các em thói quen để đồ dùng học tập không cần thiết ở nhà hoặc trường”, GS Takeshi Shirado gợi ý.

Báo cáo nêu ví dụ một học sinh lớp 1 giấu tên sống tại Kobe mỗi ngày đều đeo chiếc balo chống gù randoseru đi học. Lưng em bị che lấp bởi chiếc balo quá khổ. Mẹ em miêu tả trong bài khảo sát: “Trông cháu giống một chiếc balo di động”.

Là người giám sát cuộc khảo sát, GS Takeshi Shirado, làm việc tại Đại học Taisho, Nhật Bản, cho biết trọng lượng lý tưởng của một chiếc cặp sách nằm trong khoảng 2 - 3kg nhưng thực tế, con số lại vượt xa.

Chuyên gia này cho rằng việc số hóa giáo dục và tác động của dịch Covid-19 là những yếu tố khiến cặp sách trở nên nặng trịch. Thứ nhất, trong những năm gần đây, sách giáo khoa tại Nhật Bản đã tăng số lượng trang và kích thước.

Tiếp đó, khi các trường học ứng dụng thiết bị kỹ thuật số vào giảng dạy, số lượng sách giáo khoa cũng nhiều hơn với một số đầu sách mới như Lập trình... trở thành môn học bắt buộc từ năm 2022.

Ngoài ra, học sinh còn phải mang thiết bị kỹ thuật số, nước uống cá nhân hoặc hộp cơm sau dịch Coivd-19 vì các trường hạn chế đồ dùng chung.

Cặp sách quá tải là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian dài tại Nhật Bản. Năm 2018, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đã kêu gọi các trường phổ thông linh hoạt hơn bằng cách cho phép học sinh Nhật Bản để lại đồ dùng học tập không sử dụng thường xuyên tại trường. Tuy nhiên, điều này chưa mang lại hiệu quả cao.

Một phụ huynh phản ánh: “Con gái tôi phải mang hầu hết sách vở của các môn học chính về nhà để làm bài tập và chuẩn bị cho các bài kiểm tra”.

Từ tháng 2/2023, Hội đồng Giáo dục thành phố Kobe đã khuyến khích thực hiện “karu-sta”, nghĩa là mang về nhà những đồ vật tối thiểu. Điều này nhằm giảm số lượng sách vở, đồ dùng học tập tại nhà để học sinh không phải mang đi mang lại quá nhiều đồ vật. Vào những ngày học sinh mang máy tính xách tay về nhà, các em chỉ cần làm các bài tập trên máy tính, không sử dụng sách giáo khoa, vở học. Như vậy, sách vở có thể để lại trường.

Tuy nhiên, nhiều trường phản ánh không đủ không gian chứa đồ. Tại một số trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ giữ sách giáo khoa hoặc tài liệu thay học sinh. Số khác lắp thêm kệ đựng đồ trong phòng học hoặc ngoài hành lang.

Theo Mainichi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh Nhật Bản đeo cặp nặng tới 10kg