Qua lăng kính về cuộc sống của mình, học sinh được nói lên vấn đề mình quan tâm, tìm giải pháp cho chính mình và những người xung quanh từ những câu chuyện quen thuộc hằng ngày đến vấn đề vĩ mô, mang tính toàn cầu.
Quá trình học tập qua dự án đôi khi còn thử thách mỗi khi nhóm không thống nhất được ý tưởng, đề tài gặp bế tắc, sản phẩm không như kỳ vọng,... Nhưng với tinh thần của tư duy thiết kế, các con đã biết học hỏi từ thất bại, biết dũng cảm lựa chọn, quyết tâm giải quyết bài toán cuộc sống của mình.
“Qua dự án, tôi mong muốn các con bên cạnh rèn luyện các kỹ năng, sẽ đem kiến thức được học của mình đến với thực tiễn, lan tỏa tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo của mình để giải quyết chính những vấn đề của cuộc sống, có tác động tới cộng đồng trong vai trò của những công dân toàn cầu mà các con đang trở thành”, cô Đoàn Thị Lâm Oanh chia sẻ.
Học sinh trình bày về dự án trước các shark để kêu gọi đầu tư. |
Khi kiến thức song hành với cuộc sống
Cô Đoàn Thị Lâm Oanh cho biết: Các dự án học tập như “My Project 23” luôn là một cách thức “kiểm tra” sáng tạo, mang đến hứng thú học tập, khám phá kiến thức mới cho học sinh. Các em được “tự do” với những ý kiến cá nhân, táy máy với những sáng chế, hay bay bổng với những ý tưởng mới lạ…
Học qua trải nghiệm thực tế mang đến cho học sinh những góc nhìn cụ thể và các bài học kinh nghiệm quý giá. Như khi ý tưởng đi vào thực tế sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, các em cần điều chỉnh cho phù hợp; khi làm việc nhóm làm sao để không xảy ra xung đột mà vẫn hiệu quả; khi bối rối thuyết trình nơi đông người; phản ứng cực nhanh khi bị các Shark “vặn”...
Quá trình ấy, học sinh hiểu được rằng, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đưa ra thị trường, các nhà sáng chế không chỉ cần ý tưởng mới mà quan trọng hơn là sự phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, là chi phí sản xuất phải tối ưu, là giá thành cạnh tranh…
Học sinh trình bày về dự án trước các shark để kêu gọi đầu tư. |
Học sinh Lê Mỹ Hà Anh, khối 6 với dự án Board Game Toán học nhận được sự đầu tư của cả 3 Shark hào hứng chia sẻ: Trước khi vào chung kết, chúng em khá lo lắng vì cảm thấy sản phẩm chưa thực sự hoàn hảo. Do đó, em thực sự vỡ òa khi nhận được sự đầu tư của cả 3 Shark.
Tiếp theo, chúng em sẽ cải tiến sản phẩm dựa trên đóng góp của các Shark ngày hôm nay. Sản phẩm của chúng em xuất phát từ chính việc sợ môn Toán của cả nhóm nói riêng và với các bạn học sinh nói chung. Vì vậy em muốn mang đến một sản phẩm giúp các bạn có thể vừa học vừa chơi và tạo hứng thú hơn với bộ môn Toán.
Kết thúc chung kết gọi vốn, bà Vũ Lưu Chinh - Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục CEC Edu chia sẻ: Tôi thấy đây là một hình thức học tập thú vị và hiện đại. Nhà trường đã áp dụng hình thức học tập liên môn dưới dạng dự án để học sinh được trực tiếp trải nghiệm và đặt học sinh vào các tình huống rất cụ thể, cho học sinh thách thức để thuyết phục các “nhà đầu tư” bên ngoài.
Các vấn đề học sinh lựa chọn để làm sản phẩm sáng chế cũng rất thiết thực, như môi trường, sức khỏe… Tôi đã đầu tư vào 2 dự án và tin những bạn nhỏ tham gia dự án dưới góc độ là một bài học ngày hôm nay sẽ có những trải nghiệm quý giá mà không phải học sinh lớp 6, 7 nào cũng có được.