Nhiều học sinh sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đã xin chuyển trường. |
“Công tác tuyển sinh lớp 6 gặp khó khi có khoảng hơn 20 học sinh không tuyển được. Đặc biệt, lượng bán trú bị cắt giảm, chỉ còn lại gần 30 em chưa đủ theo quy định không được cấp kinh phí cho nấu ăn nữa. Chính vì vậy, năm học này, nhà trường không thực hiện được bán trú. Phòng vẫn để cho các cháu ở nhưng ăn các cháu tự lo, có cháu mang cơm đi, có cháu mua mỳ tôm ăn… rất vất vả”, thầy Việt cho biết thêm.
Tại huyện Quan Sơn có hơn 3.000 học sinh không còn được hưởng chế độ sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg. Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 72 học sinh bỏ học. Một trong những nguyên nhân khiến học sinh bỏ học là không còn được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn trong khi các học sinh đều là hộ nghèo, cận nghèo.
Trước tình trạng trên, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn mong muốn tỉnh Thanh Hoá sẽ tham mưu cho các cấp ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho các huyện nghèo, xã biên giới để học sinh có cơ hội tiếp tục được đến trường.
Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) cho biết, sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời, nhiều học sinh trên địa bàn không còn trong diện được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn nhưng bản thân những gia đình học sinh này vẫn là hộ nghèo, cận nghèo khiến địa phương rất trăn trở.
“Tình trạng nhiều học sinh không ở lại trường ăn bán trú và xin chuyển trường đã ảnh hưởng rất lớn đến nền nếp cũng như chất lượng học tập, cá biệt có những em phải bỏ học. Chúng tôi cũng đã họp bàn, tuy nhiên, trong thời gian tới cũng chỉ lên phương án hỗ trợ bán trú được một điểm trường là Trường Tiểu học, THCS thị trấn. Huyện cũng rất mong tỉnh có cơ chế đặc thù cho đối tượng học sinh này để tránh tình trạng học sinh vì không được ăn bán trú mà bỏ học”, ông Trọng bày tỏ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trên thực tế, sau khi nhiều địa phương ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng bản chất đời sống của từng hộ dân thì vẫn khó khăn, các chế độ cho giáo viên, học sinh đều bị ảnh hưởng.
Đối với ngành Giáo dục, theo quy định của Chính phủ thì vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt ngành đã đề xuất tham mưu với UBND tỉnh xem xét ban hành quy chế đặc thù hỗ trợ cho khu vực miền núi Thanh Hoá.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở cũng đã đề nghị các Phòng GD&ĐT, nhà trường trong thời gian chờ đợi phải cố gắng vượt khó, động viên học sinh đi học đầy đủ.