Cũng theo thầy Công, linh động hóa quá trình đào tạo, tạo ra động lực giúp học sinh, sinh viên tích cực, chủ động tham gia vào quá trình học tập.
“Tìm kiếm được các học sinh thực sự ưu tú, rút ngắn thời gian đào tạo và có thể tạo ra những cá nhân đột phá trong thị trường lao động, nghiên cứu khoa học…”- thầy Công nêu quan điểm.
Cần cân nhắc kĩ lưỡng
Thầy giáo này cho rằng, với học sinh giỏi, đặc biệt là các học sinh có tố chất, định hướng nghề nghiệp từ nhỏ có thể tham gia vào môi trường học tập chuyên nghiệp từ rất sớm, nhiều “thần đồng” có cơ hội phát triển sớm hơn và phục vụ xã hội sớm hơn.
Mặt khác, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc của gia đình khi học song song chương trình phổ thông và chương trình đại học, có thể đi tắt, đón đầu các vị trí việc làm mà mình mong muốn trong tương lai.
Thầy Công cho rằng, theo ý kiến của thầy, khi cơ chế mở ra sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người học, việc lựa chọn, thi cử do người học và gia đình hoàn toàn chịu trách nhiệm.
“Do đó, cần phải cân nhắc rất kĩ khả năng, năng lực của trẻ để quyết định có cho học vượt hay không, tránh tình trạng “thiên tài sớm nở tối tàn”, học ép, học quá căng thẳng dẫn đến áp lực tinh thần, stress hay các bệnh lí về thần kinh. Mặt khác, việc học tập, công nhận kết quả học tập, các chứng chỉ học vượt phải thực sự khách quan, tránh để các tiêu cực không đáng có xuất hiện trong quá trình ấy”- thầy Công nêu quan điểm.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng cho rằng, đại học Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch để học sinh giỏi vượt trội ở bậc THPT được học và công nhận tín chỉ một số môn cơ bản ở đại học là một đường lối đúng.
Ông Vinh cho rằng, đây là một chủ trương tốt. Nếu như trước đây khi hoàn chỉnh chương trình học này mới vào học chương trình kia là không đúng.
Ông Nguyễn Sóng Hiền, tiến sĩ ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chưa công nhận chương trình lớp 11 và 12 như chương trình dự bị đại học ( Foundation) như các quốc gia phát triển khác. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển tiếp của học sinh phổ thông lên đại học .
Mặc dù trong luật giáo dục hiện nay quy định rõ các cấp học phải đảm bảo tính liên thông nhưng trong thực tế chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế đóng khung tách biệt với giáo dục đại học. Đây chính là một khiếm khuyết lớn đối với hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay.
Vì lý do này, những học sinh Việt Nam muốn du học ở các quốc gia phát triển ở bậc đại học buộc phải tham gia vào khóa dự bị đại học trước khi được chấp nhận vào chính khóa.
Vì vậy, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu ban hành quy định về chương trình dự bị đại học nhằm đảm bảo quyền lợi của người học và hơn hết nó đảm bảo tính liên thông ở các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân và tiếp cận gần hơn với các hệ thống giáo dục của các quốc gia phát triển.
Em Lê Vũ Anh Thư, vừa tốt nghiệp đại học tại Úc cho rằng để học sinh THPT học tín chỉ đại học không hợp lý.
Thư cho rằng, một số môn cơ bản ở Đại học chính là nền tảng, là 1 sự tổng hợp kiến thức theo cách nhìn, cách tư duy theo đúng chuyên ngành, chuyên môn. Vậy nên đối với em, những môn cơ bản này cũng quan trọng. Việc thời gian học đủ cho việc ngấm, hiểu và đối chiếu, áp dụng kiến thức cũng rất quan trọng. Việc học vượt này đòi hỏi việc học sinh phải phân chia đủ những thời gian trên cho bộ môn, tránh hậu quả của “dục tốc bất đạt”.