“Để học sinh làm quen và nhập cuộc tốt nhất, ngay khi nhận số máy hỗ trợ, nhà trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, bảo quản máy làm sao cho hiệu quả. Đồng thời, trường tiếp tục rà soát lần 2 xác định số học sinh thật sự có nhu cầu để việc hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả”, thầy Linh cho biết thêm.
Sử dụng đi liền với trách nhiệm bảo quản
Theo cô Trần Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Núa Ngam, mặc dù từ ngày 4/4 nhà trường quay trở lại dạy học trực tiếp, song số máy được hỗ trợ vẫn đang phát huy tối đa hiệu quả. Hiện hơn 30 học sinh các khối tham gia cuộc thi olympic giải toán trên mạng đều được mượn máy ôn luyện. Ngoài ra, toàn bộ số học sinh thuộc diện F0, F1 không thể tham gia học trực tiếp, khi có nhu cầu đều được bố trí mượn.
“Chúng tôi xác định đây là nguồn hỗ trợ mang tính lâu dài, giúp học sinh và cả giáo viên nhà trường có thể nhập cuộc với những thay đổi của nền giáo dục số. Vì vậy, không thể để máy xếp kho, cứ học trực tuyến mới mang ra sử dụng mà sẽ bố trí, sắp xếp cho các em mượn theo nhu cầu thực tế, phục vụ công tác dạy và học chung của nhà trường”, cô Tươi chia sẻ.
Còn theo cô Đào Thị Hiền, quản lý thư viện nhà trường, để máy được quản lý tốt, phục vụ lâu dài, nhà trường cho mượn theo từng buổi học. Trước, sau khi mượn các em đều phải ký nhận. Mỗi máy có dán tên cụ thể để gắn với trách nhiệm từng em.
“Việc giao hẳn máy cho học sinh sẽ rất khó trong công tác quản lý. Thầy cô không thể theo sát quá trình sử dụng để biết các em có dùng máy phục vụ học tập hay không. Chính vì vậy, vừa quản lý tốt vừa gắn trách nhiệm sẽ đảm bảo máy được sử dụng đúng mục đích, lâu bền và nhiều học sinh được thụ hưởng hơn”, cô Hiền lý giải.
Tại huyện Mường Ảng, để tăng thêm nguồn lực cho chương trình, phòng GD&ĐT đã phát động, kêu gọi cán bộ, công chức viên chức và người lao động tại 35 trường học tham gia quyên góp, ủng hộ. Phòng thành lập Ban tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Đồng thời chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.
“Đã có 20/22 trường trên địa bàn triển khai học trực tuyến bằng thiết bị được hỗ trợ từ chương trình. Qua đó, không để học sinh nào bị mất cơ hội học tập vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên, khích lệ giáo viên, học sinh các nhà trường vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trong mọi hoàn cảnh”, ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng cho hay.