Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức.
Tham dự sự kiện có Thủ tướng Phạm Minh Chính; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội...
Tại 63 điểm cầu của các tỉnh/thành có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh/thành.
Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII yêu cầu: Mỗi tổ chức cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, coi đó là nội dung quan trọng trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.
Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành: Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác…Đưa học tập suốt đời từ chủ trương thành hiện thực, nét văn hoá của quốc gia
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất". Thi đua yêu nước là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của đại đoàn kết.
Ngày 11/6/1948, Bác đã phát động phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, nhờ vậy mà nạn xóa mù chữ đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc, đã khơi dậy được tinh thần học tập mạnh mẽ trong toàn dân, góp phần to lớn vào chiến thắng vang dội trên khắp các lĩnh vực.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ phát động. |
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua ái quốc đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, các phong trào thi đua luôn có vai trò rất quan trọng. Sau năm 1954, các phong trào thi đua đã hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của đế quốc Mỹ, vừa xây dựng và tạo cơ sở vật chất chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các phong trào thi đua cũng không ngừng được phát động. Tuy nhiên, chúng ta chưa có phong trào thi đua nào mang tầm quốc gia được phát động về lĩnh vực xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến từng người, từng gia đình và toàn xã hội.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ phát động. |
Trước những yêu cầu cấp bách và quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam tham mưu với Chính phủ, tổ chức một số cuộc họp và lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương để bước đầu hoàn tất hồ sơ dự thảo Chương trình triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” theo quy định.
Nhiệm vụ đặt ra là cần gắn kết chặt chẽ Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” với các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời bám sát xu thế phát triển xã hội học tập của thế giới hiện đại, đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc về xây dựng nền giáo dục có chất lượng và bốn trụ cột của UNESCO “học để chung sống, học để biết, học để làm và học để tồn tại”.
Là một bộ phận không thể tách rời của giáo dục khu vực và thế giới, hệ thống giáo dục Việt Nam tuy đã chuyển mình tích cực theo hướng mở và học tập suốt đời trong những năm qua, nhưng vẫn còn rất cần một công cụ điều hành, quản lý mạnh mẽ như Luật Học tập suốt đời để đưa học tập suốt đời từ một chủ trương lớn trở thành hiện thực, một nét văn hoá của quốc gia.
Chính vì vậy, sau lễ phát động, Bộ GD&ĐT mong muốn Phong trào thi đua này sẽ là một trong những phong trào trọng tâm trong các phong trào thi đua của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội, các địa phương, các hoạt động cụm, khối thi đua. Phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và huy động, tập trung được nguồn lực của nhà nước, địa phương cũng như toàn xã hội tham gia hưởng ứng Phong trào thi đua quan trọng này. Kịp thời phát hiện, công nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy Phong trào thi đua phát triển.
Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phát động và chỉ đạo mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, các doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số;
Thi đua thực hiện tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập;
Thi đua xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục, thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân có cơ hội học tập suốt đời;
Thi đua triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập;
Thi đua thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời;
Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập;
Vận động toàn dân tham gia xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời; thi đua tăng cường thông tin về kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, công nghệ đào tạo mở, từ xa; xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời đối với mọi công dân.