“Như vậy chúng ta quan niệm xã hội học tập vừa là mục tiêu, vừa là động lực của học tập suốt đời. Theo nghĩa đó, xã hội học tập là xã hội phổ cập học tập suốt đời cho mọi người; là xã hội trong đó học tập suốt đời thực sự là quyền cơ bản của mọi người, phù hợp với nguyên tắc cơ bản được UNESCO khởi xướng trong khế ước xã hội mới về giáo dục” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh.
“Việt Nam đã ban hành Đề án quốc gia đầu tiên về xây dựng xã hội học tập từ năm 2005, tức là gần 20 năm trước”, bà Miki Nozawa - Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ghi nhận và cho rằng, trong thế giới thay đổi nhanh chóng mà chúng ta đang sống, mọi công dân đều cần có cơ hội học tập suốt đời, để hoàn thiện cá nhân, tăng cường gắn kết xã hội và thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế.
Từ thực tiễn triển khai xây dựng xã hội học, thúc đẩy học tập suốt đời, bà Bùi Thanh Xuân - Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu giáo dục thường xuyên (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhận thấy, việc nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt đối với các bộ, ngành và doanh nghiệp về sự cần thiết và lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập có tầm quan trọng hàng đầu. Theo đó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cam kết và ý chí chính trị của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thành công.
Ngoài ra, cần khung pháp lý đầy đủ để bảo đảm có cơ chế ràng buộc, phối hợp hiệu quả hơn và sự tham gia tự giác của các tầng lớp xã hội vào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, tăng cường đầu tư tài chính và cơ sở vật chất phục vụ học tập suốt đời, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ tạo ra những động lực to lớn cho sự phát triển học tập suốt đời.
Cũng theo bà Bùi Thanh Xuân, việc củng cố, phát triển mạng lưới các đơn vị học tập, cộng đồng học tập và học tập trong mỗi gia đình có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả của việc thực hiện chủ trương học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xây dựng mô hình toàn chính phủ, liên bộ ngành, gắn kết mọi thành phần trong toàn xã hội, phối hợp các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cùng tham gia chủ động và tích cực vào các hoạt động thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có nhiều kinh nghiệm về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Năm 2005, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” được Chính phủ phê duyệt với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người dân ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, liên tục, học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án giai đoạn 2012 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030.