Không tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp, nhiều người trẻ lựa chọn học tiếp lên bậc thạc sĩ hoặc văn bằng 2 với mong muốn trụ lại
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chọn cách học nhiều bằng cấp hay học lên trình độ cao vì mong con đường tìm việc sẽ dễ dàng hơn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tuyển được gần 40.600 người học bậc thạc sĩ. Con số này tăng khoảng 8.800 người so với năm ngoái.
Tốt nghiệp cử nhân ngành lưu trữ học từ tháng 7/2023, đến nay Nguyễn Thu Hoài (SN 2001, quê Thái Nguyên) vẫn loay hoay tìm kiếm công việc phù hợp, đúng với chuyên ngành đã học và sở thích của bản thân.
Thu Hoài tâm sự, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn trẻ này chỉ làm các công việc bán thời gian tại cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, cửa hàng thời trang để có thêm thu nhập. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, dù đã nộp hồ sơ xin việc ở nhiều công ty nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực. Lý do mà nhà tuyển dụng đưa ra là Hoài thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Một số nơi thì yêu cầu Hoài bắt đầu với vị trí thực tập sinh và không được nhận lương.
“Tốt nghiệp hơn 1 năm, nhưng tôi vẫn “lông bông” trong khi bạn bè đồng trang lứa đều đã có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, áp lực từ gia đình khiến tôi khá bế tắc. Thời gian gần đây, tôi bắt đầu tìm hiểu về chương trình cao học bậc thạc sĩ. Biết đâu đây lại là lựa chọn giúp tôi ở lại Hà Nội làm việc trong 2 năm tới”, Thu Hoài tâm sự.
Cô gái trẻ tự trấn an bản thân rằng trong 2 năm học thạc sĩ, sẽ có thời gian để bản thân trau dồi kinh nghiệm tìm kiếm việc làm. Trên hết, đây cũng là một cách giúp cô gái này chống chế trước những câu hỏi về công việc của bạn bè, người thân.
Khác với Nguyễn Thu Hoài, lý do Ngô Quỳnh Anh (24 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) lựa chọn học cao học là bởi “chưa muốn rời xa vòng tay bố mẹ”. Quỳnh Anh thừa nhận, bản thân chưa đủ tự tin để đi làm bởi suốt những năm còn ở giảng đường, cô cũng chưa từng phải làm thêm mà chỉ tập trung cho việc học.
“Do nhà ở khá xa trường vì vậy tôi thuê phòng trọ để tiện đi lại. Hàng tháng, bố mẹ vẫn chu cấp tiền nhà và các khoản sinh hoạt phí cho tôi. Hiện tại nếu đi làm, tôi sẽ phải lựa chọn tự trả tiền nhà hoặc chuyển về sống cùng bố mẹ. Đồng thời, bố mẹ cũng sẽ không cho tiền sinh hoạt phí, điều này khiến tôi cảm thấy khá áp lực và chưa sẵn sàng. Vì thế tôi quyết định tiếp tục việc học thay vì đi làm”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Đang học thạc sĩ ngành Tôn giáo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyễn Hà Phương (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, lý do học cao học là để phục vụ cho công việc trong tương lai. Hà Phương cho biết, chi phí đầu tư cho 2 năm học thạc sĩ không hề nhỏ. Nếu học thạc sĩ ở các trường hay hệ quốc tế thì còn đắt đỏ và tốn kém hơn nữa.
“Học thạc sĩ mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích, được nâng cao năng lực tư duy, nghiên cứu, học thuật. Đồng thời, tôi thấy tự tin hơn trong quá trình làm việc, mở rộng các mối quan hệ. Đặc biệt, học thạc sĩ còn giúp tôi có những hướng đi mới, xác định mục tiêu và lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận các bạn trẻ có xu hướng đi học không vì mục đích phục vụ công việc hay nâng cao kiến thức mà đơn giản vì không có việc gì làm, “tranh thủ” đi học khi còn trẻ chưa vướng bận gia đình, hoặc vì chán đi làm hay rủ nhau đi học cho vui”, Hà Phương nhìn nhận.
Theo quan điểm cá nhân, Hà Phương cho rằng việc học theo trào lưu như vậy sẽ gây lãng phí tiền bạc và cả thời gian cho gia đình và chính các bạn trẻ. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ vẫn có tư duy nếu có càng nhiều bằng cấp thì càng dễ dàng có nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao. Đó là tư duy đúng nhưng chưa đủ.
“Tôi cho rằng, việc học thạc sĩ hay không là lựa chọn mang tính cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét nó trong bối cảnh và điều kiện cụ thể, trên nhiều góc độ khác nhau về mục tiêu cá nhân, thời gian về cả khả năng tài chính bởi khoản đầu tư cho 2 năm học cao học cũng không nhỏ.
Việc học không bao giờ là thừa, cần có định hướng rõ ràng, học cái bản thân đang thiếu và đang cần. Đó có thể là các kỹ năng mềm bổ trợ hay các chứng chỉ thiết thực phục vụ cho công việc”, Hà Phương giải thích.
Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Think Pro, trong bối cảnh hiện nay, bằng cấp và thành tích học tập không còn là yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà tuyển dụng.
Nhiều ứng viên trẻ hiện nay khi xin việc ghi hồ sơ rất đẹp, trình độ học vấn cũng rất cao thế nhưng khi hỏi về những kiến thức cơ bản trong công việc thì các bạn lại không trả lời được. Cũng có những ứng viên trình độ học vấn không cao bằng song các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức và giải quyết vấn đề lại gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
“Bên cạnh đó, đối với những ngành nghề không đi sâu vào nghiên cứu mà có tính ứng dụng cao thì ngoài những kiến thức từ sách vở, các bạn buộc phải cọ xát thực tế. Vì vậy, mỗi cá nhân cần cân nhắc kỹ lưỡng về mục tiêu, định hướng của bản thân. Tuy nhiên, mỗi người có hoàn cảnh và lý do riêng nên việc học thạc sĩ có thể mang ý nghĩa khác nhau đối với từng người”, ông Trần Văn Long, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Think Pro chia sẻ.