Sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành và chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 14/2/2025, nhiều trường học ở tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng tổ chức dạy thêm, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để phù hợp với quy định mới. Mặc dù, chủ trương này nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh và giáo viên, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về việc tổ chức ôn tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Tạm dừng dạy thêm, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy
Ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành ngày 30/12/2024, các trường học tại Đắk Lắk đã phổ biến nội dung quy định mới đến giáo viên, học sinh và phụ huynh, đồng thời tạm dừng dạy thêm để rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp.
Ông Võ Ngọc Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhà trường đã quán triệt nội dung thông tư đến toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đồng thời, yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, trường cũng rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của thông tư.
Nhà trường vẫn tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ đầu năm học mà không thu phí. Điều này giúp đảm bảo chất lượng giảng dạy, giảm áp lực tài chính cho các gia đình có con em theo học, ông Võ Ngọc Nam thông tin.
Tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 1.358 học sinh, trong đó trên 30% là học sinh dân tộc thiểu số, việc điều chỉnh kế hoạch dạy, học thêm cũng đang được triển khai. Bà Nguyễn Thị Nhân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đang điều chỉnh kế hoạch dạy học thêm trong nhà trường phù hợp với Thông tư 29. Nhà trường hướng đến dạy đúng đối tượng, tuyệt đối không thu tiền từ học sinh khi triển khai học thêm, dạy thêm. Thời gian tới, nhà trường có kế hoạch trích 1 phần kinh phí cho công tác ôn tập với học sinh yếu, giỏi”
Đối với học sinh, việc tạm dừng các lớp học thêm có thể gây ra một số ảnh hưởng, nhưng các em cũng đang dần thích nghi với phương thức học mới. Em Lê Đức Mạnh, học sinh lớp 10A1, Trường Trung học Phổ thông Việt Đức chia sẻ, em có chút hụt hẫng khi trường không tổ chức ôn tập như trước, nhưng em sẽ cố gắng tự học và nếu không hiểu bài thì nhờ thầy cô hướng dẫn thêm.
Trong khi đó, em Nguyễn Trần Diễm Quỳnh, học sinh lớp 10A1, Trường Trung học Phổ thông Việt Đức cho rằng, không tổ chức dạy thêm cũng có mặt tích cực vì em có thêm thời gian để tự học và nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng.
Mong có hướng dẫn cụ thể
Dù Thông tư 29 được đánh giá là phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục, nhưng nhiều giáo viên và phụ huynh vẫn lo lắng về việc thiếu hướng dẫn cụ thể trong giai đoạn triển khai.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Ngữ văn tại Trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh chia sẻ, Thông tư 29 có chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế nhiều phụ huynh vẫn muốn con được bồi dưỡng thêm kiến thức, đặc biệt là học sinh lớp 9, lớp 12 đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Nếu không có hướng dẫn cụ thể, phụ huynh sẽ lúng túng, không biết nên cho con học ở đâu. “Thông tư đưa ra có người thống nhất triệt để việc dừng dạy thêm, nhưng đa số phụ huynh mong muốn các cấp có hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh, giáo viên được dạy và sống bằng nghề, tự hào bằng việc dạy thêm, học thêm chứ không phải giống như một tội đồ bị lên án như hiện nay”, cô Hiền chia sẻ.
Ông Võ Đức Tân, phụ huynh có con học lớp 11 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, Thông tư 29 giúp học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, giảm áp lực học tập. Tuy nhiên, với học sinh cuối cấp, việc ôn thi là rất quan trọng. Có con đang học lớp 11, với ông Tân, nhu cầu học thêm cho con là có. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, ông sẽ không cho con học dàn trải mà chú trọng các môn cần thiết. Ông mong rằng, các cấp quản lý sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể để học sinh có thể ôn tập đầy đủ mà không vi phạm quy định.
Chị Nguyễn Thị Tha, phụ huynh có con học lớp 2 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ lo lắng: “Gia đình tôi không đủ kiến thức để dạy con học ở nhà, trong khi các trung tâm dạy thêm cũng đang tạm dừng để chờ hướng dẫn. Mong rằng, ngành Giáo dục sẽ sớm có phương án cụ thể để hỗ trợ phụ huynh và học sinh”.
Ông Nguyễn Hữu Luật, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đã có công văn hướng dẫn thực hiện. Phòng Giáo dục đã quán triệt đến các trường để thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, Thông tư 29 đặt ra nguyên tắc đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, khuyến khích học sinh tự học và phát triển theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc dạy thêm, học thêm phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc dạy thêm, học thêm. Khi thông tư mới được ban hành, trước mắt còn nhiều vấn đề trong quá trình triển khai. Hiện, UBND tỉnh chưa ban hành hướng dẫn. Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư sẽ giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, giải quyết việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường theo tinh thần định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học và triển khai các hoạt động giáo dục để đưa học sinh gắn liền việc học với thực tiễn, vui chơi, đảm bảo lành mạnh hóa môi trường học tập và nâng cao chất lượng, ông Hiệp nhấn mạnh.
Thông tư 29 là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý dạy thêm, học thêm, giúp hạn chế tiêu cực và tạo môi trường học tập lành mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thực trong giáo dục. Do đó, việc quản lý cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, tránh biến giáo viên trở thành “tội đồ” của xã hội khi đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của học sinh. Trong thời gian tới, việc ban hành hướng dẫn cụ thể từ UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện Thông tư 29 một cách hiệu quả, đúng quy định và đảm bảo chất lượng giáo dục.