Không để trẻ bị áp lực
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ngọc Lam, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.8 Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), phụ huynh kỳ vọng vào kết quả học của con em mình thật tốt là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu gây áp lực quá hoặc sai phương pháp sẽ tạo nên “hiệu ứng ngược”. Việc chuyển từ môi trường vui chơi, nhận biết mặt chữ, mặt số sang học hành nghiêm túc ở tiểu học, trẻ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp vừa đủ để chuẩn bị đầy đủ tâm thế làm quen việc học. Bởi vậy, các lớp “tiền lớp 1” thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, những lớp học này không gò bó trẻ học một cách nhồi nhét, gượng ép về cách đánh vần, tính toán, viết chữ. Giáo viên phải giúp trẻ làm quen với không khí lớp học, tư thế ngồi học, cách cầm bút, sự tập trung… Từ đây, sự hứng khởi khám phá điều mới mẻ, tinh thần ham học hỏi của trẻ mới được khơi lên.
Còn theo cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM), trẻ được bồi dưỡng, bổ sung những kỹ năng, kiến thức trước khi bước vào lớp 1 sẽ góp phần tạo sự quen thuộc cho các em khi bước vào môi trường mới. Thực tế cho thấy, việc học sinh nếu được tiếp xúc với chữ viết và các con số trước đó khi vào lớp 1 trong thời gian đầu sẽ tiếp thu khá nhanh. Tuy vậy, phụ huynh không nên tạo áp lực cho con em mình. Bởi kết quả học tập của trẻ còn phụ thuộc vào việc tiếp thu kiến thức nhanh hay chậm trong quá trình học, cũng như việc phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên để hỗ trợ con trẻ ôn tập lại những nội dung đã học trên lớp.
“Phụ huynh không nên quá chú trọng đến việc trang bị kiến thức, hay tạo áp lực học nhanh, chậm, không theo kịp chương trình, điểm số, thành tích học tập từ năm đầu tiên. Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn cho trẻ tâm lý vui vẻ, thoải mái, thân thiện khi bước vào ngôi trường tiểu học”, cô Phương chia sẻ.