Học trò tự tin 'đứng bếp' trên hành trình học chữ

14/10/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cơn bão cuối năm 2020 đã cuốn trôi cây cầu bắc qua sông Đăk Bla. 

Từ đó, Y Lê Na và 47 học sinh sống ở làng Kon Tủ phải đi đường vòng, xa hơn 13km để đến trường. Đường đi lại khó khăn nên thầy cô đón trò đến trường ở nội trú. Những đứa trẻ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” xa vòng tay cha mẹ và tự lo sinh hoạt hàng ngày, nấu ăn… trên hành trình học chữ.

Từ làng đến trường

3 năm qua, hành trang đến trường mỗi tuần của cô học trò Y Lê Na (lớp 8C3, Trường THCS Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) ngoài sách giáo khoa, vở là mấy ký gạo. Cơn bão cuối năm 2020 đã cuốn trôi cây cầu bắc qua sông Đăk Bla. Từ đó, Y Lê Na và 47 học sinh sống ở làng Kon Tủ phải đi đường vòng, xa hơn 13km để đến trường.

Nhà xa, cha mẹ bận lên nương rẫy nên không thể đón đưa nữ sinh mỗi ngày. Lê Na cũng chẳng thể lội bộ hơn chục cây số để đến trường học. Ngày mưa, nhiều học sinh không ra lớp vì đường xa, sình lầy.

Lo sợ trò tiếp tục nghỉ học, thầy Đoàn Văn Thoài - Hiệu trưởng nhà trường nảy ra ý tưởng tổ chức cho học sinh ở nội trú để thuận lợi đến lớp. Thời điểm đó, cơ sở vật chất còn thiếu, nhà trường mượn Trung tâm giáo dục thường xuyên làm chỗ ở tạm thời cho các em. Đều đặn, thứ Hai các em rời làng Kon Tủ đến trường, ở lại đến thứ Bảy cha mẹ đón về. Mấy tháng đầu, mỗi tối giáo viên cùng phụ huynh thay phiên nhau trông coi, hỗ trợ học sinh.

“Những ngày đầu, nhiều nhà hảo tâm hay tin cầu trôi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho nhà trường nên bữa ăn của các em đủ đầy dưỡng chất. Thời gian sau, không có chế độ nên bữa cơm có khi là cơm trắng, cá khô hoặc mì tôm. Chẳng có tiền ăn sáng, học sinh ăn cơm nguội từ chiều hôm trước để no bụng. Thương trò, giáo viên chung tay trích tiền lương để bữa ăn của các em có thêm thịt, cá”, cô Phạm Thị Hường - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Ruồng nói.

Không muốn trò thiệt thòi, thầy, cô chia sẻ những khó khăn, vất vả của học sinh lên mạng xã hội. Ban đầu người thân, bạn bè biết đến nên cũng hỗ trợ tinh thần, vật chất cho các em. Lâu dần, thấy việc làm ý nghĩa, thiết thực của nhà trường, dự án Nuôi em đã hỗ trợ cho mỗi học sinh 17 nghìn đồng/ngày. Từ đó, bữa ăn của học trò đủ đầy dinh dưỡng hơn.

Hành trang đến trường của học trò làng Kon Tủ ngoài sách, vở là mấy ký gạo. ảnh 1

Hành trang đến trường của học trò làng Kon Tủ ngoài sách, vở là mấy ký gạo.

Sau vài tháng, nhà trường bố trí khu nội trú để chuyển học sinh về ăn, ở tại trường. Kể từ đó, phụ huynh không phải thay phiên nhau từ làng ra trường trông coi con em vào mỗi tối. Thầy Nguyễn Văn Đạt - giáo viên Lịch sử xung phong hỗ trợ trò mỗi khi cần.

Có những hôm nhận được điện thoại của học trò lúc nửa đêm, thầy Đạt tức tốc chạy đến trường để kiểm tra. Khi biết học sinh bị ốm, thầy lại tất tả gõ cửa từng hiệu thuốc. Lo cho trò xong, thầy Đạt mới thở phào về nhà chuẩn bị cho buổi lên lớp ngày mai.

“Học sinh quen với tập tục sinh sống ở làng nên khi ra trường không thích nghi với nền nếp sinh hoạt. Giáo viên phải thường xuyên hướng dẫn các em cách vệ sinh cá nhân, nơi ở… sau một thời gian mới ổn định.

Dù vất vả, thức khuya và dậy sớm nhưng tôi rất vui và hạnh phúc khi chứng kiến học sinh đến lớp đông đủ. Lũ trẻ nơi đây còn nhiều khó khăn, thiệt thòi nên con chữ sẽ soi sáng giúp các em có tương lai tốt đẹp hơn”, thầy Đạt tâm sự.

Thầy Nguyễn Văn Đạt hướng dẫn học sinh lớp 6 nấu ăn. ảnh 2

Thầy Nguyễn Văn Đạt hướng dẫn học sinh lớp 6 nấu ăn.

Bữa cơm tự nấu

Năm học 2023 - 2024, 42 em ở làng Kon Tủ ở bán trú tại trường. Những căn phòng được bố trí gọn gàng, đủ giường chiếu để các em nghỉ lại. Nhà trường cũng đầu tư hai bếp gas lớn cùng bàn, ghế và chén đũa… để học sinh nấu cơm.

Không có các cô nuôi như trường nội trú khác, học sinh tự túc xoay xở việc sinh hoạt và cơm nước hằng ngày. Bước vào năm học mới, khối 7, 8 và 9 học buổi sáng nên em lớp 6 phụ trách nấu cơm trưa và ngược lại. Những đứa trẻ vùng sâu lần đầu nấu nướng nên lóng ngóng tay chân. Thầy cô cạnh bên hỗ trợ, hướng dẫn chúng nấu ăn mấy tuần đầu.

Nguyên liệu bữa ăn trưa nay gồm: Thịt, củ cải, bí xanh và bắp cải. Thấy thầy, cô đi chợ về, A Rưng (lớp 6A1) nhanh nhảu đỡ thức ăn, phụ rửa rau và gọt củ.

A Rưng là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em. Ở nhà, Rưng chưa từng nấu ăn nên ra trường em được thầy, cô hướng dẫn từ việc nhặt rau, nấu cơm và chế biến thức ăn. Mấy hôm nay, Rưng đã có thể “đứng bếp” xào rau và kho thịt.

Học sinh làng Kon Tủ ăn uống ngon lành với bữa cơm tự nấu. ảnh 3

Học sinh làng Kon Tủ ăn uống ngon lành với bữa cơm tự nấu.

“Mấy ngày đầu em thấy lạ lẫm và cũng nhớ nhà, nhớ cha mẹ lắm. Thầy cô động viên, hướng dẫn em vệ sinh cá nhân, nấu ăn. Biết thêm nhiều điều mới và được ăn, ngủ cùng các bạn, em thấy vui lắm. Em có thể tự nấu ăn, thầy cô và các bạn còn khen cơm em nấu ngon”, em A Rưng bộc bạch.

11 giờ, 7 bàn inox với đầy đủ bát đũa được học sinh lớp 6 sắp xếp gọn gàng. Bữa trưa hôm nay với thịt kho củ cải, rau bắp cải xào và canh bí được lũ trẻ chia đều, bày biện lên bàn, khói bốc nghi ngút.

Trống tan trường, học sinh ùa ra khỏi lớp, về chỗ ở cất cặp sách rồi ngồi ngay ngắn thưởng thức bữa trưa. Đồng thanh mời thầy, cô dùng cơm, lũ trẻ ăn uống ngon lành. Hôm nay là ngày đầu tiên Y Lê Na được thưởng thức cơm trưa do em trai mình là A Đạt (lớp 6A1) nấu. Trưa nay, A Đạt “đạo diễn” món rau xào, tuy hơi mặn nhưng Lê Na vẫn thấy vui, hạnh phúc vì em trai đã có thể tự lập.

“Em mới được thầy cô và chị gái hướng dẫn nấu nên chỉ làm được mấy món đơn giản. Cuối tuần vừa rồi về nhà em đã thử nấu cho cha mẹ ăn. Cha mẹ khen ngon, em vui lắm nên hôm nay cùng các bạn nấu bữa ăn đầu tiên ở trường”, A Đạt tâm sự.

Những hôm cha mẹ bận lên nương không đón được lũ trẻ rủ nhau đi bộ về nhà. ảnh 4

Những hôm cha mẹ bận lên nương không đón được lũ trẻ rủ nhau đi bộ về nhà.

Vơi bớt nỗi lo

Cô Phạm Thị Hường – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Ruồng cho hay, toàn trường có 466 học sinh, trong đó có 48 em ở làng Kon Tủ. Từ ngày cây cầu nối liền làng Kon Bdeh và làng Kon Tủ trôi, các em phải đi đường vòng, xa hơn 13km. Ngày nắng thì bụi, mưa xuống lầy lội, trơn trượt rất khó khăn khi đi lại.

Đường xa nên nhiều em vắng học hoặc đến lớp đã trễ giờ, quần áo lấm lem bùn đất. Không muốn học trò vắng, tỷ lệ chuyên cần giảm, nhà trường đã đón 42 học sinh về ở nội trú, còn 6 em ở nhà người thân. Thầy, cô cũng kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu để phụ huynh giảm chi phí đóng góp.

Y Lê Na và A Đạt là con thứ 5 - 6 trong gia đình có 9 anh, chị em. Hằng ngày, ông A Đên (43 tuổi - cha hai chị em) cùng vợ đi làm 2ha rẫy từ tờ mờ sáng đến tối mịt nên chẳng có thời gian chăm lo cho các con.

3 năm qua, Y Lê Na ở nội trú tại trường vì đường về nhà quá xa. ảnh 5

3 năm qua, Y Lê Na ở nội trú tại trường vì đường về nhà quá xa.

Trước kia, khi nhà trường chưa tổ chức ăn, ở nội trú, vợ chồng ông A Đên thay phiên nhau đón, đưa con đi học. Những hôm vào vụ thu hoạch, hai vợ chồng đành để các con tự đi bộ đến lớp. Thế nhưng, ngày mưa, đường xa lũ trẻ chẳng chịu đi học mà ở nhà.

Ông A Đên bảo rằng, từ ngày nhà trường tổ chức nội trú cho học sinh làng Kon Tủ, ông nhẹ đi một nỗi lo. Các con được ăn, ở tại trường để học chữ nên vợ chồng ông yên tâm làm lụng phát triển kinh tế. Ông cũng thấy con trưởng thành và tự lập hơn sau một thời gian ở lại trường. Từ những đứa trẻ chỉ biết ăn ngủ và chơi, được thầy cô hướng dẫn, giờ đây Y Lê Na cùng A Đạt biết quét dọn nhà cửa, nấu cơm, vệ sinh cá nhân cho bản thân và các em…

“Y Lê Na và A Đạt có thể quán xuyến công việc mỗi khi cha mẹ và anh chị vắng nhà. Không những vậy, hai đứa còn hướng dẫn các em nấu cơm, vệ sinh cá nhân… Ngày cuối tuần các con cũng theo cha mẹ lên nương rẫy phụ việc. Mình vui và hạnh phúc vì các con biết thương cha mẹ và có thể tự lo cho bản thân”, ông A Đên tâm sự.

Y Lê Na bảo rằng, có những hôm cuối tuần cha mẹ bận lên nương chẳng đón được nên em cùng lũ trẻ trong làng rủ nhau đi bộ về nhà. “Quãng đường xa, chúng em đi khoảng 2 tiếng mới đến nơi. Có hôm xe máy cày hoặc xe tải vào làng cho đi nhờ thì đỡ mỏi chân hơn. Đi mãi, quen rồi nên chẳng thấy xa nữa”, cô học trò Y Lê Na nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trò tự tin 'đứng bếp' trên hành trình học chữ