Từ một cô bé chăm học, chỉ sau một năm con chị N gần như "trôi hết" kiến thức cơ bản. Cô bé cảm thấy mệt mỏi khi gia sư đến dạy kèm, đầu óc không chịu suy nghĩ và luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến lớn.
Kết quả học tập năm lớp 8, cô bé đứng gần cuối lớp, thậm chí hơn nửa số môn dưới điểm 5.
Bất lực, bẽ bàng, chị N chẳng biết phải làm sao. Có lần chị cáu, gom hết những bức ảnh, những đĩa nhạc thần tượng của con đi vứt. Chị thật sự sốc khi cô con gái gào khóc, lao vào cào cấu chị để giữ lại.
Chị N quyết định phải đồng hành để thay đổi con, không thể đứng nhìn con trôi theo những cảm xúc bồng bột như thế.
Ban đầu là "làm bạn", mỗi tối chị N đều dành thời gian tâm sự với con, những câu chuyện đại loại "ban nhạc này hát hay con nhỉ" hay "bé sau này có muốn làm nghệ sĩ nổi tiếng không?". Chính những câu chuyện ấy, dần dần giúp chị N bước vào thế giới của con. Cô bé không giấu diếm nữa, sẵn sàng tâm sự với mẹ đủ chuyện. Từ ấy, chị N gần như nắm bắt được toàn bộ diễn biến tâm lý của con.
Trong câu chuyện mỗi ngày, thi thoảng chị N lại kể tiểu sử của một nghệ sĩ nào đó cho con nghe. Tất nhiên, chị đã chọn nhân vật tiêu biểu. Chị bảo "này bé, con biết ca sĩ A không? Cô ấy trước khi nổi tiếng trên sân khấu thì còn là học sinh xuất sắc đấy"...
Dần dần, những câu chuyện "đưa đẩy" mà chị N tâm sự với con đã có tác dụng. Cô con gái bắt đầu nói về chuyện học, nào là kiến thức khó, nào là con thấy áp lực khi bị gọi lên bảng... Khi con nói hết, chị N đều tìm cách hóa giải những "nỗi niềm" ấy bằng một câu chuyện "vượt khó".
Sau vài tuần "chăm chỉ", chị gợi ý muốn học cùng con và được chấp thuận. Chị N gặp giáo viên, xin kinh nghiệm rồi tự viết ra thời khóa biểu cho hai mẹ con. Tối học môn gì, tập trung vào đâu? Buổi sáng cứ 5h chị thức dậy, tập thể dục 30 phút rồi vào gọi con.
Hai mẹ con cùng ngồi học, cứ thế, chỉ trong vào tháng cô bé bắt đầu biến chuyển. Chị N quan sát thấy con không nhắc nhiều về thần tượng nữa, cháu cũng không còn sợ bị gọi lên bảng, các bài kiểm tra bắt đầu có điểm số cao...
Cho tới một ngày, cháu về nhà và bật khóc, chị N hỏi thì cháu bảo con vừa được giải nhất môn lịch sử ở trường. Khoảng khắc ấy, chị N hiểu rằng mình đã kéo được con ra khỏi cơn "u mê" thần tượng.
Đúng như dự đoán, khi cô con gái gạt được nỗi sợ hãi học tập thì cháu bắt đầu chăm chỉ. Cộng thêm sự khích lệ và đồng hành của chị N, cháu đặt mục tiêu phải thi học sinh giỏi cấp quận.
Buổi tối nhận được kết quả giải nhì học sinh giỏi cấp quận, chị N thấy cô con gái lặng lẽ cất những bức ảnh, đĩa nhạc của thần tượng vào chiếc hộp giấy. Kể từ hôm đó, chị N không còn thấy con nhắc về những thần tượng đó nữa.