Giáo dục

Hội đồng trường phải là trung tâm của đổi mới quản trị

12/07/2025 14:22

Không ai phủ nhận vai trò của Hội đồng trường trong quản trị đại học hiện đại. Nhưng để thiết chế này thực sự có thực quyền chứ không là hình thức “hội họp mở rộng”, dự thảo Luật Giáo dục Đại học cần làm rõ lại vị trí, chức năng và mối quan hệ quyền lực bên trong nhà trường. Câu chuyện không còn là "có hay không", mà là: "giữ Hội đồng trường như thế nào để nó không vô nghĩa".

Khi Hội đồng trường đứng giữa hai vai – "Cánh tay nối dài" hay "Ban cố vấn mở rộng"?

Trong các góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), vai trò của Hội đồng trường tiếp tục là điểm nóng.

Dự thảo mới kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời bổ sung những nội dung làm rõ hơn vị trí pháp lý và chức năng của thiết chế này trong bộ máy nhà trường. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Dự thảo đã tách biệt rõ vai trò giữa hiệu trưởng và Hội đồng trường, đồng thời quy định việc bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng trường do cấp quản lý trực tiếp quyết định – nhằm tránh chồng lấn quyền lực điều hành và quyền lực chiến lược.

Hội đồng trường phải là trung tâm của đổi mới quản trị - Ảnh 1.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết Dự thảo lần này đã tách biệt rõ vai trò giữa hiệu trưởng và Hội đồng trường - (Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh)

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thời gian qua, một câu hỏi cốt lõi được đặt ra: Hội đồng trường nên được nhìn nhận là một cấu trúc quản trị dân chủ trong nội bộ nhà trường, hay là đại diện quyền lực được ủy nhiệm từ bên ngoài?

GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, (ĐHQGHN) thẳng thắn: "Hội đồng trường không chỉ là nơi thể hiện dân chủ nội bộ, mà phải là cánh tay nối dài của quản lý nhà nước." Theo ông, trong điều kiện Bộ chủ quản không thể "vươn tay" đến từng cơ sở giáo dục, thì chính Hội đồng trường cần là thiết chế được ủy quyền thực chất, có tiếng nói trong chính sách học phí, tổ chức bộ máy, nhân sự thay vì chỉ giữ vai trò cố vấn.

Ở một thái cực khác, nhiều ý kiến lại tỏ ra lo ngại về tính hình thức của Hội đồng trường. Không ít nơi, Hội đồng trường tồn tại nhưng không có thực quyền. Một số thành viên Hội đồng không nắm đủ thông tin, không tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, và chỉ được triệu tập để biểu quyết những nội dung đã được quyết định từ trước. Trong bối cảnh đó, nhiều người ví von Hội đồng trường giống như một "ban tư vấn mở rộng", hơn là một chủ thể điều phối thực sự.

Hội đồng trường phải là trung tâm của đổi mới quản trị - Ảnh 2.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho rằng Hội đồng trường cần là thiết chế được ủy quyền thực chất - (Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh)

TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT nhấn mạnh rằng, nếu Hội đồng trường không có vai trò kiểm soát, hiệu trưởng sẽ dễ rơi vào tình trạng "vua một cõi", nhất là trong bối cảnh trao quyền tự chủ ngày càng cao. Theo ông, tự chủ mà không đi kèm với giám sát sẽ dẫn đến mất cân bằng quyền lực, và đấy là rủi ro không nhỏ với các trường đại học hiện nay.

Giữ cho được Hội đồng trường nhưng giữ như thế nào mới là điều cần bàn

Một trong những điểm tạo nên sự phân hóa trong ý kiến góp ý là cách tiếp cận mô hình tổ chức Hội đồng trường giữa trường công lập truyền thống và cơ sở ngoài công lập.

Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Phenikaa, cho rằng Luật nên mở không gian linh hoạt hơn trong thiết kế bộ máy quản trị đại học. Nếu đại học được công nhận là "doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực khoa học – công nghệ" thì phải cho phép nhà trường tổ chức các vị trí như Tổng giám đốc, Giám đốc học thuật, Giám đốc đổi mới sáng tạo… chứ không nên mặc định mô hình "hiệu trưởng + Hội đồng trường" là duy nhất đúng.

Hội đồng trường phải là trung tâm của đổi mới quản trị - Ảnh 3.
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, cần phân rõ ranh giới quyền lực giữa ba trụ cột: Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường - (Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh)

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trở lại vấn đề cốt lõi là ranh giới quyền lực giữa ba trụ cột: Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường. Ông cho rằng, nếu phân định rõ ràng vai trò và cơ chế phối hợp giữa ba cấu trúc này, thì bộ máy sẽ phát huy hiệu quả quản trị rõ rệt. Thậm chí, ông còn kiến nghị nên có Hội đồng trường riêng cho cả các trường thành viên trong đại học quốc gia, thay vì gom về một Hội đồng cấp đại học như hiện nay.

Không dừng lại ở đó, có ý kiến đề nghị khôi phục lại Ban kiểm soát, vốn từng tồn tại trong Luật Giáo dục đại học 2012. Lý do? Bởi nếu Hội đồng trường và Ban Giám hiệu cùng "bắt tay" hay thiếu khách quan, thì ai là người giám sát hệ thống? Trong khi đó, các cơ quan bên ngoài lại không đủ điều kiện để can thiệp kịp thời vào nội bộ trường đại học. Một thiết chế như Ban kiểm soát, nếu độc lập và được quy định chặt chẽ, có thể là "van an toàn" giúp duy trì minh bạch, kỷ luật nội bộ.

Bài toán hiện nay không còn là "có nên có Hội đồng trường hay không?" bởi tất cả các ý kiến đều khẳng định: Hội đồng trường là không thể thiếu trong mô hình quản trị đại học hiện đại. Vấn đề thực sự là: Làm thế nào để Hội đồng trường không bị "hóa hình thức"? Làm thế nào để quyền lực được thiết kế một cách cân bằng, hiệu quả, mà không trở thành điểm nghẽn trong vận hành nội bộ?

Câu trả lời không thể nằm gọn trong một điều luật. Nhưng nếu Luật sửa đổi lần này không đặt nền móng rõ ràng cho một cơ chế Hội đồng trường có thực quyền, có trách nhiệm, có cơ chế giám sát và phối hợp cụ thể, thì những kỳ vọng về đổi mới quản trị đại học sẽ vẫn chỉ dừng lại ở mô hình chứ chưa thành hiện thực.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/hoi-dong-truong-phai-la-trung-tam-cua-doi-moi-quan-tri-102250711221203367.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/hoi-dong-truong-phai-la-trung-tam-cua-doi-moi-quan-tri-102250711221203367.htm
Bài liên quan
Nhiều góp ý về thiết chế Hội đồng trường của trường đại học thành viên
Chủ đề về hội đồng trường của trường đại học thành viên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý và chuyên gia giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội đồng trường phải là trung tâm của đổi mới quản trị