Việc tiếp tế như là cơ duyên đưa chị An đến nơi ở của ba cháu Đ.T.T.L. (lớp 9), Đ.Đ.K. (lớp 6) và Đ.T.T.L. (lớp 5). Cha mẹ đi làm công nhân ở Bình Dương, các cháu được cậy nhờ ông bà ngoại chăm sóc.
Không may người cha bị nhiễm COVID-19 và không qua khỏi.
Thấu hiểu nỗi mất mát và khó khăn của gia đình, chị An cùng chị em vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, thực phẩm, vật dụng giúp các cháu ổn định cuộc sống và duy trì việc học.
Cuối năm 2021, chị lại tiếp tục vận động nhà hảo tâm cất cho các cháu một căn nhà lá - trước đây, gia đình các cháu ở đậu nhà ông bà ngoại.
Từ cơ duyên gặp mặt lần đầu, đến nay tháng nào chị An cũng tất bật mang gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, tập viết... đến với các cháu để các cháu luôn no lòng mà đến trường.
Hay câu chuyện xúc động của "người hàng xóm" Hồ Thị Chào đã cưu mang cô bé Q.A. mồ côi mẹ trong đại dịch COVID-19 ở TP.HCM; về người mẹ S'tiêng Thị Phích, người dân tộc S'tiêng, dù một mình nuôi bốn con nhỏ nhưng vẫn cưu mang thêm một đứa trẻ.
Theo công bố tại chương trình, đến nay các tỉnh, thành phố, tổ chức khắp cả nước đã tiếp tục đăng ký và nhận đỡ đầu cho 7.850 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu tại chương trình, bà Hà Thị Nga, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết cũng nhờ tất cả tình yêu thương nói trên, các con đã dần ổn định tâm lý, chăm ngoan, học giỏi, nhiều con đạt thành tích cao trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
"Các bà, các chị dù ngành nghề, điều kiện khác nhau, có chị hoàn cảnh còn trăm bề có khăn, có chị tuổi đã cao nhưng họ đều có chung một trái tim nhân hậu của những người bà, người mẹ" - bà Hà Thị Nga nói.