Nhà quản lý, chuyên gia lao động việc làm chia sẻ thông tin về thị trường lao động. Clip: P.ĐIỀN
Ông Chí đánh giá mặc dù người lao động thiếu việc làm nhưng lại có xu hướng chọn nơi làm việc gần nhà. Một bộ phận lao động đã về quê không quay trở lại làm việc cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao động khan hiếm, dẫn tới doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để tuyển dụng.
Từ đó, ông Chí cho rằng sàn giao dịch việc làm quốc gia là môi trường trung gian để doanh nghiệp và người lao động gặp nhau.
Đặc biệt sàn giao dịch việc làm quốc gia là nơi đảm bảo được tính an toàn, bảo mật thông tin, sự minh bạch của doanh nghiệp cũng như người lao động.
“Sàn giao dịch việc làm Quốc gia cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được thông tin dữ liệu người lao động, nhu cầu của thị trường từ đó đưa ra các chính sách, hỗ trợ cho người dân cũng như doanh nghiệp, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế”, ông Chí chia sẻ.
Ông Trịnh Đức Tại, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết sàn giao dịch việc làm Bình Dương đã cơ bản bao phủ toàn tỉnh, kết nối cả nước và đang được cải tiến hoàn thiện về chiều sâu để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Tại cũng cho hay người lao động tại các tỉnh dễ dàng thay đổi quyết định do không muốn làm việc ở tỉnh xa, vì vậy cần có những chế độ thu hút phù hợp.
Sàn giao dịch việc làm online trên cả nước hiện chưa được kết nối đồng bộ thông suốt do chưa có phần mềm chung, chỉ một số tỉnh tự liên hệ kết nối với nhau. Do đó, số lượng doanh nghiệp Bình Dương tham gia tuyển dụng chỉ kết nối được lao động ở một số tỉnh nhất định.
Bình Dương là địa phương thực hiện có hiệu quả sàn giao dịch việc làm 15 năm qua (từ năm 2008). Sàn giao dịch việc làm tỉnh này đã tổ chức tổng cộng 456 phiên giao dịch việc làm theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến.