Qua nhiều vụ việc có tính chất xâm phạm đời tư người khác, lỗi rất lớn thuộc về một số trang thông tin chạy theo thị hiếu tầm thường. Họ cập nhật từng giờ, từng phút diễn biến đời tư của nghệ sĩ để câu view, câu like và kiếm tiền từ điều đó.
Phần lỗi khác thuộc về chính nghệ sĩ. Họ không ý thức được trách nhiệm khi là người của công chúng. Những hành động tiêu cực và phát ngôn ngớ ngẩn vô tình đã trở thành “món ngon” đối với công chúng thích hóng hớt.
Thậm chí, nhiều nghệ sĩ tự đưa mình vào “lưới dư luận” nhằm tạo dựng tên tuổi, tăng sự nổi tiếng. Họ thuê một nhóm truyền thông, hoặc tự đưa lên Facebook cá nhân những chuyện rất đáng xấu hổ.
Như mới đây, có hai nam nghệ sĩ khá có tuổi kể oang oang chuyện một tiểu thư giàu có muốn lấy làm chồng và sẵn sàng trả số vàng bằng cân nặng, thậm chí cả chuyện người hâm mộ muốn xin đứa con…
Chút tư tình của người hâm mộ biến thành một câu chuyện bẽ bàng. Hai nam nghệ sĩ ấy đã đạp phụ nữ xuống để tự tôn mình lên, hạ thấp phẩm giá của người khác để chứng tỏ mình là người đàn ông cao thượng.
Nghệ sĩ bị xâm phạm quyền riêng tư và chuyện nghệ sĩ thích bị xâm phạm đời tư – dù là hai phạm trù khác nhau, nhưng nó chứng tỏ “văn hoá hóng hớt” không phải là lối ứng xử đẹp.
Buồn là những gì dễ dãi, hời hợt lại dễ đi vào lòng người. Còn những gì nghiêm chỉnh và mang ý nghĩa giá trị văn hoá thì sự tiếp nhận lại rất chừng mực.